Dòng sự kiện:
Quỹ thất nghiệp đã chi trả gần 32 nghìn tỷ đồng cho người lao động
18/12/2022 13:03:46
Thời gian qua, hàng loạt các gói hỗ trợ đã được thực hiện nhằm giúp đỡ người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19.

Sáng 17/12, phiên hội thảo chuyên đề 4: “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 đã được diễn ra.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội Lê Văn Thanh đã có những báo cáo về kết quả việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thời gian qua.

Thứ trưởng cho biết hiện nay hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam tập trung vào 4 nội dung bao gồm phòng ngừa rủi ro (chính sách thúc đẩy tạo việc làm, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, giảm nghèo bền vững ...); Giảm thiểu rủi ro (bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN));

Khắc phục rủi ro (chính sách hỗ trợ khi thiên tai, dịch bệnh, ...) và các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản (nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch ...).

Theo số liệu tính đến hết tháng 9/2022, đã có trên 17,08 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi; có trên 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã có các  chính sách về bảo hiểm xã hội hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn như: chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo nghề.

Hội thảo bàn về phát triển thị trường lao động bền vững hiện nay.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin riêng năm 2021, tổng kinh phí hỗ trợ chính sách về bảo hiểm theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 126 là khoảng gần 6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho gần 400 nghìn đơn vị sử dụng lao động và gần 12 triệu người lao động.

Chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho hơn 13 triệu lao động thuộc đối trợ với tổng số tiền chi trả hơn 31.836 tỷ đồng.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 87 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dẫn, người lao động và gần 1 triệu lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trước tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, tính đến ngày 01/12/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp hơn 10 nghìn tấn gạo cứu đói cho 200.761 hộ với 720.192 nhân khẩu.

Trước những khó khăn trong giai đoạn mới đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội đề nghị tập trung vào những giải pháp căn cơ sau.

Thứ trưởng lưu ý thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Chú trọng rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Người lao động gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Covid-19

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế,...

Đặc biệt phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiêu, bao trùm, bền vững; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro,..

Trong khuôn khổ hội thảo này, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia cùng tập trung thảo luận, phân tích về các nội dung liên quan đến việc đánh giá, làm rõ thực trạng về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi đối với người lao động; kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian qua.

Nhận diện rõ những rủi ro và thách thức đối với thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới.

Đặc biệt trao đổi các mô hình, cách làm hay, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới.

 Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến