Dòng sự kiện:
Rà soát lại quỹ đất trong quá trình cổ phần hóa
04/08/2018 06:06:51
Theo Bộ Tài chính, để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018–2020, các doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý.

Đồng thời, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai. Từ đó, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp đã cổ phần hóa khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch. Đồng thời, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Nghiêm túc triển khai việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. Cùng đó, có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới; trong đó có người quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn từ năm 2016 đến hết 5 tháng của năm 2018, cả nước đã tiến hành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, với tổng giá trị thực tế là 411.630 tỷ đồng; trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.843 tỷ đồng.

Về thoái vốn đã thu về 150.197 tỷ đồng. Riêng năm 2017 thu về 139.385 tỷ đồng; trong đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn thoái 53,59% vốn, thu về gần 110.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần Sữa Vinamilk thoái vốn cuối năm 2016 là 742 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 11.286,5 tỷ đồng, thoái vốn năm 2017 là 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc phê duyệt hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 6 Tập đoàn, Tổng công ty và danh mục thoái vốn của 1 Tập đoàn và 1 Tổng công ty.

Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 3 Tổng công ty. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 2 Tổng công ty. Bộ Tài chính đã phê duyệt đề án cơ cấu lại Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 9 Tổng công ty.

Bộ Tài chính cũng nhận nhận định, việc triển khai cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo kế hoạch năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Lý giải nguyên nhân của việc chậm thực hiện, Bộ Tài chính cho rằng, việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành cơ chế báo cáo ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự nghiêm túc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cổ phần hóa còn tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa cần phải có thời gian xử lý, làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa đang thực hiện rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp./.

Theo Bnews

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến