Một trong những thách thức đối với nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là phụ thuộc nhiều vào ý kiến đánh giá mang tính chủ quan của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong năm 2018, nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán đã có thêm bước tiến. Đánh giá này, theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), không phải mang tính chủ quan của nhà quản lý, mà chính việc FTSE Russell đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm qua là một minh chứng.
Kết quả của bước tiến trên là nhờ một số giải pháp đã được triển khai trên thực tế. Điển hình như hoạt động công bố thông tin, đến nay, các chính sách, quy định pháp lý đã được UBCK chuyển đổi sang tiếng Anh. Về phía doanh nghiệp, tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp, UBCK khuyến khích các công ty niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh. Kết quả là ngày càng nhiều công ty niêm yết, công ty chứng khoán quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh, qua đó tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận doanh nghiệp.
Một loạt giải pháp khác cũng đã được triển khai nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam như tiết giảm thủ tục hành chính về mở tài khoản giao dịch, gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết (nới room), tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…).
Tuy nhiên, những nỗ lực trên mới mang lại kết quả bước đầu, đến bao giờ Việt Nam thành công trong nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn là ẩn số.
Đề cập về vấn đề này tại buổi tổng kết hoạt động thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 20/12, Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn chia sẻ đã làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và phần lớn lý do nằm ở việc hết "room" ngoại tại các doanh nghiệp như Vinamilk hay nhóm ngân hàng. Bên cạnh đó, có một số yếu tố khác cũng liên quan nhiều đến định tính. Theo Phó Chủ tịch UBCK, có nhiều vấn đề rất khó sửa, khó bỏ và cần được bảo vệ.
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán.
Đơn cử, về vấn đề tiền mua chứng khoán, nhà đầu tư đề xuất chỉ cần đủ tiền tại ngày T+2 (ngày chứng khoán về tài khoản). Tuy nhiên, yêu cầu đủ tiền khi mua là điều bắt buộc để đảm bảo bền vững.
“Giả sử tại ngày T+2, nhà đầu tư không có đủ tiền, thì phải trả lệnh, vấn đề này phức tạp và dù có phạt cũng chỉ đến mức”, ông Sơn nói. Lãnh đạo UBCK cho rằng trên hết cần giữ an toàn cho thị trường, phòng vệ và ngăn chặn đổ vỡ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển, còn nhiều rủi ro. Trong tương lai, khi thị trường phát triển bền vững, nhà đầu tư chuyên nghiệp và quản trị tốt hơn, có thể UBCK sẽ cân nhắc, xem xét.
Theo ông Sơn, luật hiện tại đã rất mở cho thị trường chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài. Việc giới hạn sở hữu nước ngoài tại một số ngành nghề đã mở theo các hiệp định thương mại WTO hay CPTPP. Đơn cử như nhóm quản lý quỹ và công ty chứng khoán hiện nay đã cho phép 100% vốn ngoại. Năm qua, nhiều công ty chứng khoán Hàn Quốc đã xuất hiện, mua lại doanh nghiệp chứng khoán trong nước và tăng vốn lớn. Về ngành ngân hàng, hiện tại giới hạn sở hữu là 30%, con số này không thể khác.
Ngoài ra, khối ngoại cũng thắc mắc tại sao nhà đầu tư nội có thể giao dịch ký quỹ, trong khi nhà đầu tư nước ngoài không được phép. Tuy nhiên, theo quan điểm của UBCK, nhà đầu tư ngoại tham gia mua cổ phần của Việt Nam thì phải mang vốn vào thị trường, “không thể mang một ít vốn vào rồi đi vay tiền của trong nước đi mua chứng khoán”.
Nhìn chung, ông Sơn cho rằng việc nâng hạng thị trường là tốt nhưng phải trên cơ sở bền vững, “không lên hạng bằng mọi giá”. Kỳ 6 tháng hàng năm, các tổ chức sẽ đánh giá nâng hạng. Hiện tại, UBCK đang lập dự án kết hợp với Ngân hàng Thế Giới giúp Việt Nam đạt các tiêu chí, phối hợp với các bộ ngành. Luật doanh nghiệp cũng đang bổ sung về chứng khoán lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), đây có thể là sản phẩm sẽ được triển khai để tháo gỡ vấn đề room ngoại.
Khánh Linh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy