Dòng sự kiện:
REE gặp khó mảng kinh doanh cốt lõi
06/04/2018 08:11:18
Mảng xây lắp cơ điện và điện lạnh là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tạo dựng nên tên tuổi và lợi nhuận của CTCP Cơ điện lạnh (REE).

 Tuy nhiên, cả 2 mảng kinh doanh này đang đối mặt với sự cạnh tranh khá gay gắt từ các đối thủ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho HĐQT của REE cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2018.

Đã lường trước khó khăn

Tại ĐHCĐ thường niên vừa được diễn ra cuối tuần trước, HĐQT của REE đưa ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 với 5.695 tỷ đồng doanh thu (tăng 14%) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.369 tỷ đồng (giảm 0,5%). Trong đó, doanh thu từ mảng điện lạnh (thương hiệu Reetech) giảm 15,3% xuống còn 800 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 15,9%.

Đáng chú ý là mảng cơ điện lạnh (M&E) dự kiến doanh thu tăng trưởng 13,6% lên mức 2.700 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm đến 25,4%, xuống còn khoảng 240 tỷ đồng.

Tờ trình kế hoạch kinh doanh 2018 khiến cho không ít cổ đông hụt hẫng, bởi doanh nghiệp này vừa ghi nhận được kết quả kinh doanh cực kỳ thành công trong năm 2017. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận năm 2017 tăng lần lượt 36,5% (đạt 4.995 tỷ đồng) và 26% (đạt 1.377 tỷ đồng).

Đặc biệt, việc hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh của mảng M&E khiến cho nhiều cổ đông hết sức bất ngờ, vì đây là mảng đóng góp lớn cho REE trong những năm qua.

Chia sẻ với cổ đông tại ĐHCĐ, bà Trần Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, cho biết REE đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ở mảng kinh doanh M&E. Cụ thể, các nhà thầu xây dựng lớn như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) và CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) gần đây đã cung cấp thêm dịch vụ M&E. Do vậy, giá thầu sẽ phải cạnh tranh hơn và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của REE.

Thực tế, biên lợi nhuận của mảng M&E trong năm 2017 của REE đã giảm từ 17% xuống chỉ còn 13,5%. Đây là nguyên nhân khiến cho HĐQT giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận của mảng kinh doanh này so với kết quả thực hiện của năm 2017.

Cùng gặp phải sự cạnh tranh từ các thương hiệu lớn, nhưng REE lại đặt ra chỉ tiêu cao hơn cho mảng Reetech. Theo giải thích của đại diện doanh nghiệp, kế hoạch lợi nhuận tăng là nhờ chính sách cắt giảm chi phí, từ khâu bán hàng, marketing cho đến việc cân đối chi phí và lợi nhuận. Quyết định tăng chỉ tiêu cho mảng Reetech được cổ đông đánh giá cao bởi tình hình tiêu thụ sản phẩm khá tiêu cực, khi sản lượng máy lạnh Reetech bán ra trong năm vừa qua bị sụt giảm đến 20%.

“Đặt cược” vào thiên nhiên

Tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT của REE cũng đưa ra kế hoạch thay thế ban kiểm soát bằng việc bổ sung thành viên HĐQT độc lập. Theo bà Thanh, trên thực tế lượng công việc của ban kiểm soát hiện khá ít, mỗi năm chỉ có 2-3 mùa hoạt động, chưa kể công ty hiện cũng có những ban kiểm soát nội bộ riêng tại mỗi bộ phận.

Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ cấu quản trị công ty là một xu hướng hiện nay, khi nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng đã tiến hành nhằm hướng đến mục tiêu vận hành doanh nghiệp một cách tốt hơn, hiệu quả hơn.

Dù vận hành theo mô hình mới, nhưng chiến lược kinh doanh trong khoảng 3-5 năm tới của REE vẫn dựa trên 3 nền tảng chính gồm: cơ điện lạnh (M&E và Reetech), bất động sản và điện nước. Tuy nhiên, trong tình cảnh kém sáng sủa của mảng cơ điện lạnh, thì tham vọng hiện tại của REE phụ thuộc phần lớn vào 2 mảng còn lại.

Đối với mảng bất động sản, dự kiến doanh thu tăng trưởng mạnh nhất với 94% (đạt khoảng 712 tỷ đồng), nhưng chỉ tiêu lợi nhuận chỉ đạt khoảng 189 tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ so với tổng chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2018 là 1.369 tỷ đồng. Như vậy, mảng điện nước mới chính là yếu tố quyết định thành bại của REE trong năm 2018.

Theo kế hoạch, mảng điện và nước dự kiến mang lại 712 tỷ đồng doanh thu và 617 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của REE trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều cổ đông cũng bày tỏ quan ngại về sự ổn định của mảng đầu tư này. Thực tế, các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp điện của REE phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như: chênh lệch tỷ giá và tình hình thủy văn. Nếu vấn đề chênh lệch tỷ giá đã được Bộ Công Thương cho phép tính vào giá điện và được thanh toán cho công ty điện có lỗ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015, thì mảng thủy văn lại phó mặc cho… ông trời.

Tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT của REE cũng nhận được nhiều câu hỏi khó từ cổ đông như: việc đặt chỉ tiêu kinh doanh 2018 thấp sẽ ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng trong tương lai của REE; kế hoạch kinh doanh 2018 giảm nhưng thù lao của HĐQT và các tiểu ban thuộc HĐQT lại tăng từ 2,9 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế năm 2017 cao nhưng tỷ lệ chi trả cổ tức thấp; tại sao tòa nhà Etown Center đạt tỷ lệ cho thuê 70%, nhưng lợi nhuận năm 2018 chỉ hòa vốn.

Theo Sài Gòn đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến