Dòng sự kiện:
Rộ lừa đảo vay tiền lãi suất thấp qua app
03/09/2021 12:21:19
Tham vay tiền lãi suất thấp, nhiều khách hàng đã bị các app (ứng dụng) Netfin, CEO Finance, Space, Simple Loan, Mg credit… lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Không chỉ các app cho vay online giăng bẫy lừa đảo người dân, mà lợi dụng bối cảnh kinh doanh online bùng nổ, nhiều đối tượng cũng mạo danh ngân hàng để lừa người vay.

Vay tiền tỷ lãi suất 0,5%/năm không cần thế chấp

Chị N.H.H (Khánh Hòa) cho hay, cuối tháng 8/2021, chị được một người tự xưng Lưu Văn Tài, nhân viên của ứng dụng (app) VIP Cash. Theo Tài, VIP Cash là một app liên kết với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), đồng thời cho hay, VIP Cash cùng với MB đang có chương trình cho vay ưu đãi khách hàng mùa dịch. Theo đó, khách hàng được vay tới 100 triệu đồng không cần tài sản thế chấp, lãi vay chỉ 0,5%/năm, thậm chí nếu nhập mã do nhân viên cung cấp thì còn được miễn lãi 3 tháng đầu.

Thấy lãi suất hời, chị H. lập tức đồng ý và cung cấp mọi giấy tờ nhân thân để đối tượng này làm hồ sơ vay. Hồ sơ của chị H. được công ty lập tức giải ngân và cho biết đã rót tiền vào tài khoản mà chị H. đã mở trên app. Đối tượng còn chụp lại ảnh bằng chứng về việc công ty đã giải ngân cho chị 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi chị đăng nhập app để rút tiền thì app liên tục báo lỗi. Đối tượng Tài gọi điện cho chị H và thông báo, chị H gửi sai số tài khoản nên khoản tín dụng đang bị treo và yêu cầu chị H đặt cọc 20% số tiền vay (20 triệu đồng) vào tài khoản công ty để làm tin, sau đó công ty sẽ chuyển lại cho chị 100 triệu đồng cùng 20 triệu đồng tiền đặt cọc của chị. Đối tượng còn gửi cho chị H. một công văn có dấu đỏ của Ngân hàng MB với nội dung yêu cầu khách hàng chuyển 20% khoản vay vào tài khoản để xác minh tài khoản.

Tuy nhiên, ngay sau khi chị H. đóng 20 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp thì đối tượng trên cũng chặn zalo. Khi lần tới địa chỉ công ty mà đối tượng cung cấp, chị H mới biết đây là địa chỉ ảo. Trong khi đó, phía MB khẳng định, ngân hàng không liên kết với app cho vay online nào và cũng không bao giờ bắt khách hàng đặt cọc khi giải ngân.

Tương tự, như chị H. là trường hợp của anh T.V.N (Thiệu Sơn, Thanh Hóa). Tuy nhiên, khi nghe đến yêu cầu chuyển khoản trước mới được nhận khoản vay, anh N. nghi ngờ và đề nghị hủy hợp đồng.

Mấy tháng gần đây, lợi dụng tình cảnh khó khăn của người dân, rất nhiều app cho vay mọc ra như nấm.

Danh sách các app bị khách hàng điểm mặt tố cáo lừa đảo rất nhiều: Netfin Credit, CEO Finance, Space, Simple Loan, Mg Credit, Modern Credit, UBS Credit, Handy Cash…

Công an, Ngân hàng Nhà nước liên tục cảnh báo, hàng loạt người dân vẫn mắc bẫy lừa

Quý II/2021, Công an Tiền Giang đã phát thông báo cảnh báo người dân, khi hiện tượng này diễn ra nhiều nơi tại huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Đầu năm nay, Công an Thừa Thiên Huế cũng đã bắt nhóm đối tượng thực hiện hành vi sử dụng facebook ảo, tham gia vào các nhóm vay tiền trên Facebook giả mạo là công ty tài chính để đăng bài cho vay tiền. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã lừa hàng trăm người dân trên toàn quốc với số tiền hàng tỷ đồng.

Không chỉ các app cho vay online giăng bẫy lừa đảo người dân, mà lợi dụng bối cảnh kinh doanh online bùng nổ, nhiều đối tượng cũng mạo danh ngân hàng để lừa người vay.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cảnh báo, lợi dụng tình trạng kinh doanh online nở rộ, nhiều đối tượng lừa đảo chọn đặt các món hàng giá trị nhỏ sau đó chuyển khoản thanh toán cho người bán, song lại chuyển khoản thường ngoài giờ hành chính. Sau đó, khi người bán không nhận được tiền, đối tượng sẽ gửi link ngân hàng giả mạo để người bán truy cập tra soát. Sau khi người bán ấn vào link sẽ hiện ra một website giả mạo ngân hàng, yêu cầu đăng nhập và mã OTP. Nếu người bán cả tin đăng nhập tài khoản, mật khẩu và mã OTP thì tiền trong tài khoản sẽ bay mất ngay lập tức.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo về hàng loạt thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, một trong những hình thức lừa đảo phổ biến là các đối tượng còn mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash...) để giải ngân một khoản tiền “ảo” (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.

Một số hình thức lừa đảo khác trong lĩnh vực ngân hàng:

Mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng mục đích là ăn cắp thông tin cá nhân và mã OTP của khách hàng.

Giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách và hướng dẫn thủ tục hoàn trả, như gửi kèm đường link yêu cầu khách điền thông tin cá nhân, gồm thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử, sau đó chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Chuyển nhầm một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo có khoản tiền bị treo và yêu cầu khách truy cập vào link để tra soát giao dịch, mở khoá lệnh chuyển tiền.

Gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng thông báo tài khoản khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu qua link giả mạo, mục đích nhằm đánh cắp tên truy cập, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt tiền.


Tác giả: Hà Tâm

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến