Bước sang phiên giao dịch ngày 22/10, giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra ảm đạm và tâm lý thận trọng tiếp tục bao trùm thị trường. Kết phiên hôm nay, cả ba chỉ số đều giao dịch sắc đỏ ở phần lớn thời gian giao dịch. Diễn biến giằng co mạnh duy trì đến khoảng hơn 14h. Sau đó, áp lực bán dâng cao đã đẩy hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc ở 45 phút cuối phiên. Các chỉ số vì vậy đồng loạt lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu.
Nửa đầu của phiên giao dịch, EIB là tâm điểm của sự chú ý khi tiếp tục tăng mạnh. Có thời điểm EIB tăng gần 6% lên mức 22.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trước áp lực bán mạnh của thị trường chung, EIB còn tăng 3,9% lên 21.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, EIB đã tăng đến gần 19% chỉ trong vòng 1 tuần giao dịch. Ngay trước đợt tăng nay, EIB có phiên giảm mạnh sau thông tin mạng xã hội lan truyền tài liệu có nội dung kiến nghị về hoạt động tại Eximbank có rủi ro nghiêm trọng, dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank. Phản hồi về vấn đề này, Eximbank khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng.
EIB cũng là cổ phiếu có tác động tích cực thứ 2 đến VN-Index khi đóng góp 0,36 điểm. Trong khi đó, VHM là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất với 0,48 điểm. VHM phiên hôm nay tiếp tục tăng 0,94% lên 48.250 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu như MWG, GMD… cũng có tác động tích cực lên chỉ số. MWG tăng 0,76% sau thông tin được quay trở lại “rổ” chỉ số VN Diamond trong kỳ cơ cấu tới.
Nửa sau phiên giao dịch, tâm điểm thuộc về GVR. Đây là một trong những cổ phiếu kích hoạt lệnh bán trên diện rộng ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư vốn đã mong manh. GVR bất ngờ bị bán mạnh và có thời điểm chạm mức giá sàn 32.750 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên, GVR giảm hơn 4% và gây áp lực nhiều nhất đến VN-Index khi lấy đi 1,4 điểm.
Hàng loạt các cổ phiếu lớn khác cũng giảm giá mạnh như VRE, VIB, BCM, POW, FPT, MSN… FPT tiếp tục giảm 1,8% xuống 133.100 đồng/cổ phiếu và lấy đi của VN-Index 0,85 điểm. BID cũng lấy đi 1,24 điểm khi ghi nhận mức giảm 1,8%. Sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu chứng khoán, trong đó, VDS giảm đến 3,5%, CTS giảm 2,5%, FTS giảm 2,35%, HCM giảm 2,2%, AGR giảm 1,9%.
Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa. Các mã như SGR, HDC, DXS, TCH, KDH… được kéo lên trên mốc tham chiếu. Ở hướng ngược lại, VRE giảm 2,6%, BCM giảm 2,3%, HPG giảm 1,5%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,88 điểm (-0,77%) xuống 1.269,89 điểm. Toàn sàn có 107 mã tăng, 269 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,93 điểm (-0,85%) xuống 225,5 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 93 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,44%) xuống 91,73 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch sàn HoSE đạt 794 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 19.090 tỷ đồng (tăng 33% so với phiên trước), trong đó, giá trị thỏa thuận chiếm 1.550 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.517 tỷ đồng và 548 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp trên HoSE với giá trị ở mức 130 tỷ đồng. Trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND với 100 tỷ đồng. KDH và VRE bị bán ròng lần lượt 69 tỷ đồng và 51 tỷ đồng. Chiều ngược lại, MWG được mua ròng mạnh nhất với 77 tỷ đồng. TCB và BVH được mua ròng lần lượt 65 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.
Tác giả: Thanh Thuỷ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy