Nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng từ cuối quý I/2022. Ảnh: Dũng Minh.
Có thể cuối quý III mới được nới
Phó tổng giám đốc một ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cho rằng, khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các ngân hàng phải cân nhắc nhiều hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng, bởi đây là chủ trương lớn nên dự kiến số lượng khách hàng đăng ký vay sẽ lớn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nâng hạn mức cho vay cho các tổ chức tín dụng quy mô lớn để triển khai các chính sách được thông suốt, hiệu quả.
Thực tế, không chỉ ngân hàng lớn, mà nhiều ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng không còn nhiều dư địa cho vay nên đang chờ được nới room để triển khai gói hỗ trợ trên.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, Ngân hàng đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 572 tỷ đồng, tương đương 28.600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân trong vòng 2 năm đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
“Dự kiến, đối tượng được hưởng chương trình ưu đãi lãi suất 2% chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của ABBank và tính đến tháng 5/2022, dư nợ tín dụng của Ngân hàng là 84.011 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm cuối năm 2021”, ông Quân chia sẻ.
Một số ngân hàng khác như OCB đăng ký tham gia hỗ trợ 400 tỷ đồng lãi suất, Eximbank đăng ký hỗ trợ 350 tỷ đồng lãi suất, trong khi Agribank được phân bổ 5.000 tỷ đồng để tham gia gói hỗ trợ này.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 vào khoảng 14%, giới phân tích dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng. Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, thời điểm nới có thể vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh phụ thuộc vào hoạt động cho vay của từng ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này sẽ phân bổ tín dụng dựa trên nguyên tắc ngân hàng nào có tài sản lành mạnh, quản trị tốt rủi ro thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Thế nhưng, do dư nợ tín dụng của ngành đã tăng cao trong 5 tháng đầu năm 2022 nên cơ quan quản lý sẽ rà soát kỹ hoạt động tín dụng cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, do đó, việc nới room tín dụng chắc chắn không đều giữa các nhà băng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào mức độ tuân thủ của các tổ chức tín dụng về an toàn vốn (CAR). Khi cầu vốn tăng cao trong khi cung hạn chế, ngân hàng sẽ lựa chọn khách hàng để giải ngân một cách thận trọng hơn, điều đó có thể dẫn tới một số tiêu chuẩn cho vay được nâng lên.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tài chính lành mạnh, bộ đệm vốn tốt sẽ được ưu tiên giao room tăng trưởng tín dụng cao. Vì thế, trong thời gian chờ đợi, các ngân hàng có thể chủ động phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại để tăng vốn điều lệ, tăng tỷ lệ an toàn vốn để có thể tiếp tục cho vay.
Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Ngân hàng Nhà nước đang xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng do hạn mức được cấp đầu năm tương đối thấp và thực tế là không ít ngân hàng đã cạn room từ cuối quý I/2022. VCBS kỳ vọng, các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tín dụng vào cuối quý III này.
Sẽ khó ồ ạt cho vay
Số liệu từ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20/6/2022 đạt 8,51%, cao hơn đáng kể so với mức 5,47% của cùng kỳ năm trước. Cầu tín dụng tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục tích cực sau dịch Covid-19 khiến nhiều ngân hàng sớm “đụng” trần hạn mức cho vay được cấp hồi đầu năm.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra vào trung tuần tháng 6/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021. Như vậy, sau 11 ngày, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng thêm 37.590 tỷ đồng.
Riêng tại khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng 9,3% so với cuối năm 2021.
Theo ông Lệnh, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đó là sự phục hồi nhanh chóng của doanh nghiệp cũng như kinh tế Thành phố sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Hiện hầu hết ngân hàng trên địa bàn đã cạn room tín dụng và đang chờ được nới thêm mới có dư địa triển khai cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao trong 2 quý còn lại của năm.
Thực tế, cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất, lạm phát bị đẩy lên cao.
Theo đó, mức trần tín dụng áp cho các tổ chức tín dụng bình quân từ 13 - 14% trong năm căn cứ vào tình hình lãi suất huy động, dư nợ cho vay của năm trước, tỷ lệ nợ xấu, năng lực quản trị điều hành... Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu năm, sau đó cấp thêm để phù hợp với thực tiễn cho vay.
Tuy nhiên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu của cơ quan quản lý là hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Do đó, đây là thời điểm phù hợp để các ngân hàng “gạn đục khơi trong”, cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng.
Về tăng trưởng tín dụng năm 2022, theo ông Tú, mục tiêu chung của ngành là khoảng 14%, nhưng trong 2 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam chịu sự tác động lớn từ các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh Covid-19, các sự kiện địa chính trị thế giới…, nhưng sức phục hồi cũng nhanh.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo hướng linh hoạt, có thể tăng lên 15 - 16%. Song mục tiêu này cũng có thể giảm xuống 12 - 13%, vì trước hết cần ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát, bởi khi tín dụng tăng thì lạm phát cũng dễ tăng theo, bên cạnh việc đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn để tăng trưởng kinh tế.
Liên quan tới đề xuất nới room tín dụng, ông Tú chia sẻ, từ khi phân bổ hạn mức tín dụng kỳ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều.
Song điều quan trọng nhất lúc này là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nhất định để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bởi nếu tăng trưởng tín dụng quá nóng sẽ dễ dẫn đến khó kiểm soát lạm phát, còn nếu thắt chặt tín dụng thì khó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cho nên room tín dụng cần phải được điều chỉnh một cách phù hợp.
“Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất chính đáng của các ngân hàng khi cầu vốn thường tăng cao 2 quý cuối năm. Do đó, cơ quan quản lý sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng phù hợp đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa để chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai hiệu quả”, ông Tú nhấn mạnh.
Tác giả: T.Thúy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy