Dòng sự kiện:
Rốt ráo nguồn tín dụng bám biển
23/07/2014 11:41:10
Nhiều NHTM lớn đã cam kết có sẵn nguồn vốn để đáp ứng ngay nhu cầu của ngư dân cũng như thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc nhanh chóng hỗ trợ bà con ngư dân có đủ điều kiện vật chất để vươn khơi, bám biển.

Nhiều NHTM lớn đã cam kết có sẵn nguồn vốn để đáp ứng ngay nhu cầu của ngư dân cũng như thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc nhanh chóng hỗ trợ bà con ngư dân có đủ điều kiện vật chất để vươn khơi, bám biển.

 

            Ảnh minh họa

 

Với việc cùng một lúc đưa ra 2 dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện việc cấp bù lãi suất và thực hiện chính sách bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ, đến thời điểm hiện nay, có thể nói chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân bám biển đang được Bộ Tài chính nỗ lực hoàn thiện. Động thái này sẽ khiến cho NĐ 67 trở thành một trong số những Nghị định có hiệu lực nhanh nhất từ trước đến nay có thể đưa vào cuộc sống.

 

Điều có thể nhận thấy ngay ở nội dung của 2 dự thảo thông tư lần này mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến của các đơn vị, bộ ngành và DN đều khá rõ ràng, chi tiết và cụ thể.

 

Tại điều 2 và 3 của dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm, Bộ Tài chính đã đưa ra những quy định về điều kiện tham gia bảo hiểm chi tiết đối với chủ tàu cũng như DN kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, tất cả tàu đánh bắt hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90CV trở lên đều được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm từ 70-90%. Trong khi đó, tất cả các công ty kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đã có 3 năm kinh nghiệm triển khai bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ, đồng thời chứng minh được doanh thu phí bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ trong 3 năm gần nhất đạt tối thiểu 10 tỷ đồng và tổng vốn điều lệ thực góp trên 600 tỷ đồng đều được tham gia chương trình.

 

Bộ Tài chính quy định rõ ràng về thời gian và mức hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách. Theo đó, tất cả các hợp đồng bảo hiểm khi đã được xét duyệt, các DN bảo hiểm chỉ cần gửi hồ sơ đầy đủ tới các cơ quan chức năng tại địa phương là có thể nhận được chi phí cấp bù trong vòng 10-15 ngày. Việc thực hiện cấp bù chi phí bảo hiểm nhanh chóng này sẽ khuyến khích được nhiều DN kinh doanh bảo hiểm quan tâm đẩy mạnh hình thức bảo hiểm đánh bắt xa bờ, vì trước nay sản phẩm bảo hiểm này thường được xem là có rủi ro cao và không được các DN ưu tiên.

 

Trong khi đó, về phía hoạt động cấp bù lãi suất, hiện nay, Bộ Tài chính đã gửi bản dự thảo thông tư hướng dẫn cấp bù lãi suất theo tinh thần thực hiện chính sách tín dụng NĐ 67 đến NHNN và các TCTD để lấy ý kiến trước khi ban hành. Theo dự thảo này, tất cả các TCTD thực hiện cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo quy định điều 4 NĐ 67 đều được ngân sách cấp bù lãi suất từ 4-6%/năm tùy theo các khoản vay.

 

Để hỗ trợ các TCTD tham gia cho vay, bên cạnh việc cấp bù lãi suất theo năm, Bộ Tài chính cũng quy định cho phép các TCTD được cấp bù 90% số cấp bù lãi suất phát sinh của quý trước nếu các ngân hàng có đề nghị. Việc thẩm tra hồ sơ để tiến hành cấp bù lãi suất cho các TCTD cũng được quy định trong vòng 4 tháng là giải quyết xong. Do vậy, đối với các khoản vay theo NĐ 67, các TCTD có thể sẽ nhận được phần lãi suất cấp bù ngay sau khi kết thúc mỗi năm tài chính. Điều này tạo thuận lợi cho các ngân hàng tích cực chủ động cung ứng vốn cho các hợp tác xã, tổ, đội tàu các địa phương nơi hệ thống NH trực tiếp đã có những thông tin khảo sát kỹ trước đây để ngư dân kịp có vốn đóng mới và nâng cấp tàu biển công suất lớn.

 

Như vậy, chỉ sau 2 tháng từ khi Quốc hội chính thức có quyết định sẽ dành 16.000 tỷ đồng từ nguồn cân đối ngân sách năm 2013 để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương đều đang gấp rút thực hiện chủ trương này.

 

Cụ thể, ngay sau khi Quốc hội có quyết định trên, Chính phủ đã đưa ra dự thảo NĐ 67 để lấy ý kiến các bộ, ngành. Ngày 7/7, khi NĐ 67 được Chính phủ ban hành cũng là lúc Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ chỉ đạo các TCTD dành khoảng 10.000 tỷ đồng để cho ngư dân vay với lãi suất thấp nhất có thể. Cũng ngay trong tháng 7/2014, Bộ Tài chính đã khẩn trương đưa ra 2 bản dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 67. Bộ NN&PTNT và các địa phương có truyền thống đánh bắt hải sản cũng đã có hàng loạt các biện pháp rà soát, thống kê để kịp thời triển khai NĐ 67 ngay khi bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng 8/2014.

 

Nhiều NHTM lớn đã cam kết có sẵn nguồn vốn để đáp ứng ngay nhu cầu của ngư dân cũng như thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc nhanh chóng hỗ trợ bà con ngư dân có đủ điều kiện vật chất để vươn khơi, bám biển.

 

Hy vọng rằng với những hành động rốt ráo nêu trên, trong thời gian tới nguồn vốn hỗ trợ phục vụ ngư dân sẽ được giải ngân hiệu quả, góp phần tiếp sức ngư dân trên những vùng biển ngoài khơi thuộc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

 

Hà Minh – thoibaonganhang.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến