Dòng sự kiện:
'Rục rịch' chuyển trụ sở, tối ưu hóa kinh doanh trong ngân hàng
28/11/2024 06:03:40
Gần đây, nhiều ngân hàng đang có kế hoạch chuyển trụ sở với lý do thực hiện chiến lược của mình.


Một số ngân hàng chuyển trụ sở chính vì chọn được vị trí đắc địa tại các trung tâm kinh tế tài chính, phát huy hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng; đồng thời tập trung nhiều giao dịch kinh tế quan trọng.

ABBank, VIB, BacABank, Kienlongbank, Vietbank… từng chuyển trụ sở chính. Ngân hàng chuyển đổi trụ sở chính (Hội sở) không còn là câu chuyện mới nhưng gần đây lại rộ lên khi lần lượt Eximbank và LPBank đề cập đến tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 với  mong muốn dời trụ sở để phục vụ chiến lược kinh doanh. 

Theo lý giải của giới phân tích, việc ngân hàng chuyển trụ sở là một điều bình thường và có thể xảy ra. Trong bối cảnh thị trường ngày càng thay đổi và phát triển, các ngân linh hoạt và thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, phục vụ khách hàng tốt hơn. 

Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày mai (28/11) tại Hà Nội. Tại Đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank sẽ trình cổ đông xem xét thông qua việc chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Toà nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố (TP) Hồ Chí Minh sang số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Theo Eximbank, việc chuyển trụ sở chính của Eximbank ra quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là bước đi chiến lược để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, đáp ứng với sự vận động thay đổi của thị trường cũng như giúp thực thi chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả. Eximbank xác định, miền Bắc là thị trường còn nhiều dư địa để khai phá.

Với 35 năm hoạt động, Emximbank hiện có lượng khách hàng ổn định và lâu đời ở phía Nam với tệp khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty xuất nhập khẩu hàng đầu tại Việt Nam. Lượng khách hàng bền vững này giúp ngân hàng phát triển và tích lũy lợi nhuận. Dữ liệu từ Cushman & Wakefield cho hay, phía Bắc đang cho thấy những tín hiệu rất khả quan trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điều này đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ.

Hà Nội là trung tâm kinh tế và chính trị của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong kết nối với các cơ quan quản lý và đối tác quốc tế. Việc đặt trụ sở chính tại đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Eximbank tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính lớn và nâng cao uy tín thương hiệu.

LPBank bất ngờ muốn chuyển trụ sở chính.

Trước đó, cổ đông LPBank cũng đã thông qua chuyển trụ sở chính từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ được chuyển sang một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Địa điểm cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị (HĐQT) LPBank quyết định.

Lý giải về đề xuất này, Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong xu thế phát triển mới, Việt Nam đang tích cực và nỗ lực xây dựng quy hoạch tầm nhìn chiến lược trung dài hạn, chính sách hỗ trợ/ưu đãi với các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương và khu vực. Để có thể tập trung phát triển kinh tế địa phương trong đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng, rất cần các ngân hàng có uy tín chuyển trụ sở chính về đặt tại địa phương để từng bước hình thành trung tâm tài chính.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 27/11, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc LPBank hay Eximbank quyết định dời trụ sở liên quan đến chiến lược mở rộng thị trường cũng như tệp khách hàng của mỗi ngân hàng. 

Là người từng thành lập First Vietnamese American Bank tại Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, việc chọn lựa địa điểm trụ sở chính trong nhiều trường họp liên quan đến kế hoach đầu tư của ngân hàng. “Trụ sở thường đặt tại những vị trí đắc địa nhất trong thành phố và có giá trị thương mại rất cao. Trụ sở là tài sản cố định (bất động sản) lớn nhất của một ngân hàng. Vì thế, việc ngân hàng chọn địa điểm cho trụ sở thường là những quyết định đầu tư tài chính và thương mại quan trọng, bên cạnh những lợi thế khác như hình ảnh của ngân hàng, nằm gần các cơ quan chức năng”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc ngân hàng muốn thay đổi trụ sở, ví dụ Eximbank đề xuất đột phá - chuyển hội sở ra Hà Nội cũng là chủ trương hợp lý, mở rộng thêm tệp khách hàng trong lĩnh vực xuất nhậu khẩu.

Khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được coi là “trung tâm tài chính” của Việt Nam với sự hiện diện của trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhiều ngân hàng thương mại như: BIDV, Vietcombank, SeABank, Techcombank… “Hiện, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt Hà Nội và các tỉnh lân cận đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp FDI, qua đó tạo dư địa cho Eximbank trong việc tiếp cận khách hàng lớn, vốn là thế mạnh của ngân hàng trong mảng cung cấp dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Theo chuyên gia này, quyết định quan trọng mang tính bước ngoặt này cần phải nhận được sự đồng thuận của 51% quyền biểu quyết; đồng thời cũng cần được sự chấp thuận của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp chế ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, từ hàng chục năm trước đã có những ngân hàng chuyển trụ sở sang các tỉnh, thành phố khác, thậm chí chuyển từ Bắc vào Nam hoặc ngược lại. 

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc chuyển trụ sở còn phụ thuộc vào quyết định của ĐHĐCĐ có thông qua với tỷ lệ quá bán hay không? Nhưng khi đã đưa ra trình trước ĐHĐCĐ, gần như sẽ chắc chắn thông qua bởi các chủ ngân hàng mới là những người có tiếng nói quyết định khi họ có được sự ảnh hưởng mang tính chi phối. 

“Tất nhiên, việc chuyển trụ sở của ngân hàng còn phải chờ quyết định của NHNN. Tuy nhiên, không có lý do gì cơ quan này không đồng ý khi việc này không ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động, chất lượng tài sản cùa ngân hàng, càng không ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và thị trường nói chung”, luật sư Trương Thanh Đức nêu.

Một số ngân hàng khác như ABBank, Kienlongbank lại chuyển trụ sở chính về gần cổ đông chiến lược. Trong báo cáo thường niên năm 2019, ABBank từng nêu lý do cho cổ đông vì sao chuyển trụ sở chính từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, là vì hầu hết thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc và đội ngũ lãnh đạo đều làm việc tại Hà Nội. Trong khi đó, trụ sở tại TP Hồ Chí Minh không đáp ứng được nhu cầu công việc trong bối cảnh nhân sự liên tục gia tăng, chưa kể kế hoạch phát triển nhân sự cho các năm tiếp theo.

Với VIB, khi năm 2018 ngân hàng này chuyển trụ sở từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, đại diện ngân hàng cho biết, đó là thời điểm để ngân hàng cân bằng phát triển giữa 2 miền, phát huy hơn nữa chiến lược kinh doanh của mình.

Với bất kỳ ngân hàng nào, việc chuyển trụ sở đều có lý do riêng và cần được tính toán cẩn trọng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, với những ngân hàng đã xây dựng được nền tảng vững chắc, lâu bền tại một nơi, việc khai phá những miền đất mới được xem là tư duy mở đường, củng cố, nâng cấp các hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro.

Tác giả: Minh Phương
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến