Rục rịch thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco: Đặt “đất vàng” lên bàn cân
12/09/2016 10:06:32
ANTT.VN – Thông tin về việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư tài chính, không chỉ bởi kết quả kinh doanh đầy tích cực mà còn bởi quỹ “đất vàng” “đầy mê lực” trong tay 2 ông lớn ngành đồ uống Việt Nam.

Tin liên quan

Mới đây, Thủ tướng cũng chỉ đạo khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 2 Sabeco và Habeco, cần tính riêng giá trị quyền sử dụng đất. Theo ông Bùi Đức Thụ, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội, việc này là để tránh trường hợp nhà đầu tư sở hữu đất vàng.

Từ năm 2010, Sabeco đã nhăm nhe "nhảy vào" địa ốc nhờ quỹ đất đắc địa của mình tại TP HCM. Được biết, Sabeco đã thành lập công ty đầu tư cơ sở hạ tầng, một số công ty BĐS (Công CP KD hạ tầng khu công nghiệp Sabeco; Công ty CP Bất động sản Sabeco; Công ty CP Bất động sản Bến Vân Đồn; Công ty CP Đầu tư thương mại Tân Thành;…) để khai thác các mặt bằng "vàng" ngay tại trung tâm thành phố, một số địa điểm đang là nhà kho và nhà máy sau khi di dời.

Đáng chú ý nhất trong khối bất động sản của Sabeco là lô rộng hơn 6.000m2 trên phố Hai Bà Trưng (TP HCM), tiếp giáp 4 mặt  đường Đông Du, Thi Sách, Hai Bà Trưng và công trường Mê Linh. Địa điểm này trước đây là nhà kho của Sabeco nay đã được quy hoạch phát triển thành khu thương mại văn phòng cao cấp. Theo định giá năm 2006 và được bảo lưu trong các báo cáo sau này của Sabeco, khu đất được ghi nhận giá trị gần 760 tỷ đồng.

Được biết, đầu năm 2015, Công ty Sabeco Pearl được thành lập nhằm khai thác dự án trên khu đất này. Theo kế hoạch, Sabeco rất mong thực hiện tòa tháp bia Sài Gòn tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, nhưng vướng trả tiền đất giá cao hơn 1.000 tỷ đồng, mà nguồn vốn bỏ ra lại phải phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Thêm vào đó, diện tích Sabeco sử dụng chỉ chiếm chưa đến 3% diện tích xây dựng tòa tháp này, còn lại 97% phải cho thuê… Tuy nhiên, theo Nghị định 97 lại không được kinh doanh ngoài ngành nên vào giữa năm 2016 Sabeco đã phê duyệt phương án thoái toàn bộ 26% vốn chủ sở hữu tại Sabeco Pearl, qua đó chính thức từ bỏ dự án “đất vàng”. Dù vậy, hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về thương vụ chuyển nhượng nói trên.

Sabeco đã thoái toàn bộ vốn tại dự án "đất vàng" số 2-4-6 phố Hai Bà Trưng.

Theo các tài liệu đã công bố, hiện Sabeco còn đang nắm trong tay khu đất gần 4.000m2 tại số 46 Vân Đồn (quận 4, TP HCM), 187 Nguyễn Chí Thanh, Quận 5 (hơn 17.000m2), 474 Nguyễn Chí Thanh, quận 10 (hơn 7.700m2), Phan Huy Ích (hơn 2.200m2), số 4 Thi Sách (gần 500m2)...

Tổng giá trị các khu đất này hiện ghi nhận giá trị sổ sách bằng với mức đã định giá doanh nghiệp năm 2006, xấp xỉ hơn 735 tỷ đồng. Chưa kể đến, công ty này còn có những bất động sản tại Hà Nội cũng được đánh giá có tiềm năng không hề kém cạnh.

Đứng thứ 3 về thị phần trong ngành bia, Habeco cũng nắm trong tay quỹ đất lớn rải rác ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên...

Một trong những tài sản bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư nhất của Habeco là khu đất vàng rộng 49.960 m2 tại số Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình (Hà Nội). Đây cũng là nơi Habeco đặt trụ sở Tổng công ty và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu đất này được Habeco ký hợp đồng thuê đất dài hạn, trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định. Giá trị thẩm định theo giá thị trường giữa năm 2010 tổng khu đất có giá trị lên tới 2.308 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Habeco còn quản lý 258.130 m2 đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là đất được Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho thuê 49 năm từ năm 2007 để thực hiện dự án đầu tư nhà máy bia với công suất 200 triệu lít một năm.

Nhà máy bia Habeco tại huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại khu công nghiệp Tiên Sơn-Bắc Ninh, Habeco sở hữu khu đất 15.000m2 làm Trụ sở Viện nghiên cứu và trung tâm đào tạo. Trong đó, diện tích nhà xưởng là 800 m2. Đây là đất thuê lại của khu công nghiệp, thời hạn thuê là 49 năm 8 tháng. Khu đất này đã có hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã trả phí hạ tầng (17 USD/ m2) cho Công ty đầu tư phát triển hạ tầng.

Quỹ đất mà Habeco đang nắm giữ còn nằm rải rác tại Hưng Yên và Phú Thọ.

Cụ thể, Habeco đang quản lý lô đất có diện tích 26.854 m2 tại phường Vân Cơ, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ theo hình thức thuê 50 năm. Khu đất này được UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Habeco hồi cuối năm 2007 để làm Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở cho thuê.

Tại Văn Lâm, Hưng Yên, Habeco cũng sở hữu khu đất rộng 13.958 m2 (5.816 m2 là diện tích được sử dụng làm nhà, kho tàng) làm trung tâm kho và chi nhánh phục vụ khu vực đường 7, Hải Phòng và Quảng Ninh. Khu đất này đã được UBND tỉnh Hưng Yên giao cho Habeco từ cuối tháng 11/2004 với thời hạn thuê đất là 35 năm và trả tiền thuê đất hàng năm.

Sabeco, Habeco phải niêm yết trên sàn chứng khoán trước khi tiến hành bán vốn Nhà nước

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo phải tiến hành niêm yết Sabeco, Habeco trên thị trường chứng khoán trước khi tiến hành thoái vốn Nhà nước để đảm bảo minh bạch về tài chính và có sự giao dịch trên sàn, lấy giá giao dịch đó để dẫn chiếu, nghiên cứu thêm tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước.

Cũng tại buổi họp, Bộ Công thương cũng cung cấp thông tin về lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco. Dự kiến, đối với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81.79%) tương đương 9,000 tỷ đồng trong năm 2016. Đối với Sabeco do vốn lớn nên Bộ Công Thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo lộ trình làm 2 đợt, đợt 1 bán 53.59% vốn điều lệ, tương đương 24,000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16,000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Về giá bán, sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm và có thể là tư vấn nước ngoài theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thẩm định giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này tại thời điểm bán làm căn cứ công bố giá khởi điểm trước khi thực hiện đấu giá. Trong trường hợp Habeco và Sabeco đã niêm yết, có thể lấy giá giao dịch trên sàn để tham chiếu khi xem xét xác định giá khởi điểm để đấu giá.

Diệu Ly (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến