Dòng sự kiện:
Rủi ro kép khi nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp
04/12/2021 14:51:15
Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo cập nhật về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 11 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, tổng khối lượng phát hành TPDN đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, tương đương gần 468.000 tỷ, còn lại là TPDN phát hành ra công chúng chiếm 5,5% tổng khối lượng phát hành.

Tiềm ẩn rủi ro khi đầu tư TPDN

Theo báo cáo, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường chiếm lần lượt 34% (tương đương 168.300 tỷ đồng) và 27,7% (tương đương 137.100 tỷ đồng) tổng khối lượng phát hành, còn lại là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán.

Các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 137.100 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Hữu Thắng)

Về cơ cấu nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại là các nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng mua TPDN riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân giảm so với năm 2020.

Tuy nhiên, qua công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính nhận thấy thị trường TPDN vẫn tiềm ẩn một số rủi ro.

Cụ thể, trong số các TPDN phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1% (trong đó trái phiếu do các tổ chức tài chính và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%).

Trong số 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, 207 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.

Mặc dù, tỉ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.

Cũng theo Bộ Tài chính, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021; tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỉ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.

Những lưu ý với nhà đầu tư cá nhân

Số liệu thống kê cho thấy nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có xu hướng giảm mua trái phiếu riêng lẻ trên thị trường sơ cấp, tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, tỉ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao.

Theo Bộ Tài chính, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Vì vậy, trước khi cân nhắc mua trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.

Trường hợp được giới thiệu mua trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư cá nhân cần yêu cầu doanh nghiệp, công ty phân phối cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần nắm rõ mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối.

Trong trường hợp tài sản đảm bảo của trái phiếu chưa được đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo, nhà đầu tư cần rất thận trọng nếu doanh nghiệp sử dụng cùng một tài sản để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ nợ trái pháp luật.

Khi đó, quá trình xử lý tài sản đảm bảo có thể kéo dài và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có thể không được thanh toán.

“Nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó cần thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu”, Bộ Tài chính cảnh báo.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.

Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12 nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2021.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến