Nhận định được Bộ Tài chính nêu ra tại họp báo thông tin về Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế vừa được Chính phủ ban hành vào 16/9.
Thời gian qua có những rủi ro trên thị trường khi có nhiều doanh nghiệp tình hình tài chính yếu nhưng vẫn phát hành trái phiếu với lãi suất để hấp dẫn nhà đầu tư.
Bộ Tài chính cho biết, từ 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỷ đồng một năm. Mặc dù có giảm trong các tháng đầu 2021 sau khi triển khai quy định mới nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà phát triển với khối lượng phát hành năm 2021 đạt mức 637.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường đến cuối 2021 tương đương 15% GDP.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực về quy mô huy động vốn nhưng sự phát triển nhanh của thị trường cũng phát sinh các rủi ro mới. Cụ thể, một số doanh nghiệp tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn.
Thứ nữa, quy định hiện chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư tự chịu rủi ro khi quyết định đầu tư, nhưng thực tế nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không tìm hiểu kỹ quy định và thông tin về trái phiếu đã vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư theo pháp luật dân sự.
Một số tổ chức cung cấp dịch vụ về tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, kiểm toán, thẩm định giá, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký trái phiếu chưa tuân thủ quy định pháp luật, chưa đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư hợp thức hóa hồ sơ chào bán, hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc cố tình chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của các tồn tại hạn chế xuất phát từ việc thực thi chính sách, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao; điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán cần được rà soát, đặc biệt là điều kiện về nhà đầu tư nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng cần cân nhắc sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông và ham lãi suất cao; nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam chưa phát triển; công tác thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn do số lượng doanh nghiệp phát hành lớn.
Nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành. Theo đó, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, mệnh giá trái phiếu cũng nâng lên gấp 1.000 lần so với trước đây, từ 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng lên 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết mệnh giá trái phiếu được nâng lên đảm bảo dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế những rủi ro cho nhà đầu tư.
Vẫn theo ông Dương, Nghị định 65 quy định chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu phát hành riêng lẻ phải nắm giữ danh mục đầu tư tối thiểu là 2 tỷ đồng trong vòng 6 tháng bằng chính tiền của mình, chứ không phải đi vay.
Nhà đầu tư cá nhân, trước khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tự đánh giá bản thân có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.
Yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành
Nghị định mới bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng bảo đảm thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố.
Đồng thời bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm. Nội dung chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Tác giả: Hòa Bình
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy