Dòng sự kiện:
Rủi ro tín dụng ngoại tệ gia tăng
15/10/2018 20:24:10
Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã và đang sải bước một cách vững chãi sau khi chạm đến 3,23%/năm vào những ngày đầu tháng 10/2018, cao nhất kể từ năm 2011.

Mục tiêu 3,5%/năm của nó đang ở rất gần và kỳ vọng lên 4%/năm có lẽ sẽ sớm đạt được ngay trong nửa đầu năm tới. Điều này củng cố sức mạnh cho đồng đô la Mỹ và buộc ngân hàng trung ương các nước phát triển khác phải sớm nâng lãi suất đồng nội tệ thêm nữa nhằm giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư.

Lãi suất đô la tăng bên ngoài đang tác động trực tiếp đến việc vay vốn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp trong nước và vay vốn nước ngoài của cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp. 

“Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển đã nâng lãi suất để hấp dẫn giới đầu tư và các nước đang phát triển đã khó khăn. Quá trình này sẽ trở nên thách thức hơn một khi nó bất ngờ được đẩy nhanh. Nó có thể dẫn đến sự điều chỉnh thị trường chứng khoán, những chuyển động mạnh về tỷ giá và kế đó là sự yếu đi của dòng vốn đầu tư” - người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF bà Christine Lagarde nhấn mạnh trong bài phát biểu tại cuộc họp hàng năm tại Bali (Indonesia) cuối tuần rồi của tổ chức này. IMF đưa ra số liệu trong vòng một thập kỷ qua tổng mức nợ toàn cầu đã tăng 60%, lên cao nhất mọi thời đại là 139.000 tỉ đô la Mỹ.

Rủi ro mất cân đối huy động/cho vay ngoại tệ 

Khi đồng đô la Mỹ mạnh lên trên nhiều phương diện, không chỉ các công ty Mỹ mà cả giới đầu tư đều đổ tiền trở lại Mỹ. Thị trường lao động Mỹ “căng phồng” khi những số liệu mới nhất cho thấy trong tuần đầu tiên của tháng 10 tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3,7% - thấp nhất trong vòng 49 năm. Mức lương của người lao động chỉ riêng tháng 9-2018 tăng thêm 8 xu/giờ, tức tăng 0,3% so với tháng liền kề trước đó.

Lãi suất đô la tăng bên ngoài đang tác động trực tiếp đến việc vay vốn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp trong nước và vay vốn nước ngoài của cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tổng phương tiện thanh toán và bơm hút tiền linh hoạt để kiểm soát mặt bằng lãi suất đồng Việt Nam, nhưng mặt bằng lãi suất vốn vay ngoại tệ là nằm ngoài tầm với.

Bài toán trở nên hóc búa hơn với các ngân hàng trong cân đối huy động và cho vay ngoại tệ. Các công ty nội địa, nhất là các nhà xuất nhập khẩu, bao giờ cũng muốn vay vốn bằng đô la Mỹ do lãi suất thấp hơn vay tiền đồng. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm ngoại tệ đang duy trì 0%/năm, các ngân hàng cho vay đô la Mỹ với lãi suất 4-6%/năm là quá lời.

Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét 2018 của các ngân hàng, đến ngày 30-6-2018 các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV dẫn đầu về cho vay ngoại tệ. Dư nợ ngoại tệ của VietinBank đạt gần 110.000 tỉ đồng, tương ứng 4,7 tỉ đô la Mỹ; Vietcombank gần xấp xỉ 100.000 tỉ đồng, tức khoảng 4,27 tỉ đô la Mỹ; BIDV hơn 86.000 tỉ đồng, tương đương 3,68 tỉ đô la Mỹ.

Trong số này, chỉ có Vietcombank cân đối được huy động/cho vay ngoại tệ khi vốn huy động bằng đô la Mỹ đạt khoảng 5,58 tỉ đô la Mỹ. Còn VietinBank huy động ngoại tệ chỉ được 44.400 tỉ đồng; BIDV 39.000 tỉ đồng, quá thấp so với dư nợ.

Một số ngân hàng cổ phần cũng có tỷ trọng cho vay vốn ngoại tệ cao gấp đôi vốn huy động ngoại tệ. Tất nhiên để cân đối được nguồn, các ngân hàng “chạy” lên vay mượn trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng hoặc tìm nguồn hỗ trợ từ các định chế tài chính quốc tế. Nói thẳng là vay nước ngoài. 

Tuy nhiên câu chuyện đang diễn biến theo một chiều hướng mới. Chỉ 1-2 năm trước, các ngân hàng vẫn vay được nước ngoài lãi suất thấp. Nay để vay đô la Mỹ của nước ngoài, lãi suất phải trả ở mức rẻ nhất cũng 5-5,5%/năm. Độ rủi ro cộng thêm mà người cho vay áp dụng cho một thị trường cận biên như Việt Nam đang tăng lên và đã vượt quá 2%/năm.

Cho dù có trung hòa được ít nhiều chi phí huy động nhờ lãi suất tiết kiệm ngoại tệ 0%/năm trong nước, từ nay các ngân hàng bắt buộc phải nâng lãi suất cho vay đô la Mỹ và tăng cường tìm nguồn cân đối các khoản cho vay đang có hiệu lực. Không phải ngẫu nhiên lãi suất ngoại tệ qua đêm liên ngân hàng tiếp tục đứng trên 2%/năm. Với nhu cầu vay ngoại tệ cao và có thể còn cao hơn bất chấp biến động tỷ giá (do lãi suất tiền đồng sẽ còn được đẩy lên), những ngân hàng có dư nợ ngoại tệ lớn có khả năng rơi vào tình trạng mất cân đối thanh khoản ngoại tệ.

Kỷ luật sắt của cơ quan quản lý

Ngân hàng Nhà nước đã khá mềm dẻo khi gia hạn hiệu lực các quy định cho vay ngoại tệ và làm chậm quá trình chuyển đổi mối quan hệ từ vay mượn ngoại tệ sang mua đứt bán đoạn. Với sự biến động quá nhanh của thị trường tài chính thế giới hiện nay, đặc biệt khi tiền rẻ đã không còn (tiền rẻ cả từ bên ngoài và trong nước), một thiết chế chặt chẽ đối với vay mượn ngoại tệ từ bên ngoài và cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng nên được đặt ra.

Trước hết việc thanh tra, giám sát cho vay ngoại tệ cần được thực thi kịp thời và những ngân hàng nào có dư nợ ngoại tệ vượt quá huy động ngoại tệ phải điều chỉnh ngay tỷ lệ này về mức an toàn, hợp lý. Hiện tiền gửi ngoại tệ của dân cư và tổ chức kinh tế thường để không kỳ hạn (do lãi suất 0%/năm áp dụng cho mọi kỳ hạn) và người gửi có thể rút ra bất cứ lúc nào. Rủi ro kỳ hạn trong huy động/cho vay ngoại tệ đang rất cao.

Suốt nhiều năm qua, các ý kiến trái chiều về vay vốn bằng ngoại tệ luôn diễn ra. Không ít ý kiến cho rằng nên duy trì cho vay ngoại tệ để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tài chính đồng thời tận dụng nguồn nội lực ngoại tệ trong dân. Thậm chí người ta còn đề cập đến khả năng tái huy động, cho vay bằng vàng. Nhưng một khi đã xác định mục tiêu bảo vệ giá trị đồng nội tệ là tối thượng, lâu dài, thì những “du di” xung quanh vay vốn ngoại tệ phải được gỡ bỏ. Danh sách đối tượng được vay ngoại tệ, một lần nữa, nên thu hẹp và tiến hành ngay. 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến