Rượu bia - kẻ tiếp tay cho phạm pháp hình sự
24/11/2015 15:44:52
Theo kết quả điều tra thực tế tại 11 tỉnh, TP trên địa bàn cả nước diễn ra trong vòng 5 năm từ 2010 - 2014 thì việc lạm dụng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn dẫn tới phạm pháp hình sự. Đáng chú ý tỷ lệ phạm pháp hình sự do rượu, bia ở thanh thiếu niên có nguy cơ cao nhất.

Tin liên quan

Lạm dụng rượu, bia

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông (ATGT, thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân) tại 11 tỉnh, TP: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Cần Thơ và Quảng Ninh cho thấy, số lượng các vụ vi phạm pháp luật hình sự xử lý hàng năm thay đổi không đáng kể. Tổng số vụ phạm pháp hình sự dao động từ 12.000 - 13.000 vụ. Số vụ phạm pháp hình sự xảy ra do ảnh hưởng của rượu, bia và đồ uống có cồn chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng số vụ (khoảng 3%) và trên 60% xảy ra ở mức độ ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, số vụ lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (chết người) hoặc rất nghiêm trọng (gây thương tích nặng) vẫn ở mức cao với trên dưới 100 vụ/năm, chiếm khoảng 10 - 20% tổng số. Đây là con số rất đáng lưu tâm.

Người thanh niên vướng vào một vụ án hình sự, nguyên nhân xuất phát từ người bị hại có sử dụng rượu, bia. Ảnh: H.O
Người thanh niên vướng vào một vụ án hình sự, nguyên nhân xuất phát từ người bị hại có sử dụng rượu, bia. Ảnh: H.O

Một thống kê rất đáng chú ý khác là về cơ cấu độ tuổi, trong số các đối tượng bị truy tố về hành vi phạm pháp hình sự do ảnh hưởng của rượu bia, thì năm 2013 tăng đột biến, trong đó có nhóm tuổi thanh thiếu niên (từ 16 - 30 tuổi) tăng gần 1,5 lần. Trong 3 nhóm tuổi được thống kê thì độ tuổi thanh niên chiếm đa số với trên 70%, số người trung niên (trên 45 tuổi) chiếm tỷ lệ không đáng kể.

“Lứa tuổi thanh thiếu niên thường có nhiều nhu cầu giao lưu, mở rộng quan hệ xã hội, do vậy hành vi sử dụng rượu, bia ở nhóm này cao hơn so với nhóm tuổi khác. Hơn nữa, khả năng kiểm soát hành vi, đặc biệt là sự ảnh hưởng của rượu, bia ở nhóm này sẽ hạn chế hơn so với những người nhiều tuổi hơn. Vì thế, nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự do lạm dụng rượu, bia trong nhóm này sẽ cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi còn lại”, PGS. TS Phạm Đình Xinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT nhận định.

Hậu quả khôn lường

Thống kê 26 vụ phạm pháp hình sự và gây rối trật tự công cộng điển hình từ việc lạm dụng rượu bia cho thấy, có 15 vụ các nạn nhân đều tử vong do bị đâm, chém nhiều nhát vào người, hay các đối tượng sử dụng tuýp sắt, mũ bảo hiểm, đập vào các nạn nhân. Có 7 vụ nạn nhân bị thương tích nặng, còn lại là các hành vi gây rối trật tự công cộng.

“Theo điều tra, có tới 22 vụ, nguyên nhân là do sử dụng rượu bia xảy ra mâu thuẫn. Về mặt khoa học, khi sử dụng rượu, bia, các đối tượng bị ức chế thần kinh, dễ bị kích động, không kiểm soát được hành vi của bản thân dẫn đến có hành vi chửi bới, đánh đập, thậm chí là giết người”, PGS. TS Phạm Đình Xinh phân tích.

Xin được lấy câu chuyện có thật mà chúng tôi từng chứng kiến để thay lời kết: Năm 2015, TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử một thanh niên đánh chết người. Việc xác định tội danh vô ý hay cố ý giết người vẫn đang còn tranh cãi, thế nhưng khám nghiệm tử thi trong người bị hại có nồng độ cồn trong máu và lời khai tại tòa xác định sau khi uống rượu thì người bị hại và bị cáo đã lời qua, tiếng lại dẫn tới mâu thuẫn. Hệ lụy là tổn thất và mất mát vô cùng lớn với gia đình bị hại cũng như gia đình bị cáo. Rồi đây, 3 đứa con nhỏ nheo nhóc không bao giờ còn được gặp bố và gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn lên vai người mẹ.

Theo Thể thao Văn hóa.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến