Dòng sự kiện:
Rút kinh nghiệm 'sạn' SGK lớp 1, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp thực nghiệm sách lớp 2, 6
03/11/2020 14:44:13
Bộ GD&ĐT sẽ tham gia chỉ đạo, phối hợp với các nhà xuất bản, nhóm tác giả sách giáo khoa lớp 2, 6 tổ chức thực nghiệm, lấy ý kiến rộng rãi trước khi đưa vào sử dụng.

Để tránh những "sạn" như sách giáo khoa Tiếng Việt 1 được dư luận phản ánh thời gian qua, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ thắt chặt hơn nữa việc thẩm định sách lớp 2 và lớp 6. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong lần thẩm định sách lớp 2 và lớp 6, Bộ yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, tranh luận, có sự phản biện giữa tác giả sách với Hội đồng thẩm định.

Ngoài việc tăng tương tác giữa Hội đồng tăng với các nhóm tác giả, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu mở thêm các kênh thông tin khác nhau để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn, trong đó quan trọng nhất là việc lấy ý kiến từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Theo Vụ trưởng, sách lớp 2 và lớp 6 viết theo Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 9 năm học 2021-2022. Do đó, việc công bố sớm các sách giáo khoa được phê duyệt sẽ giúp các nhà xuất bản có thêm thời gian để thực hiện khâu in ấn, phát hành. Đồng thời, các đơn vị có thêm thời gian để tập trung bồi dưỡng giáo viên về việc sử dụng sách mới, mô-đun, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

(Ảnh minh hoạ: C.H)

Thứ trưởng Bộ G&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và 6.

Thứ nhất, thực hiện kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp tham gia chỉ đạo, phối hợp các nhà xuất bản, tác giả tổ chức việc thực nghiệm (trước đây là nhà xuất bản và tác giả tự tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa lớp 1).

Thứ hai, cần tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa trước khi gửi lên Bộ thẩm định. Theo đó, các nhà xuất bản có trách nhiệm tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng nội dung sách. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa. 

Thứ ba, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa, có thể bằng cách đăng lên mạng bản mẫu sách giáo khoa dạng PDF để xin ý kiến góp ý, nắm bắt kênh thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 diễn ra ngày 31/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, đổi mới sách giáo khoa cũng phải thực hiện “cuốn chiếu” 5 năm mới xong và lúc chưa hoàn thành, giống như đổi mới thi, bao giờ cũng có điểm này, điểm khác.

Năm nay, sách giáo khoa lớp 1 có những trục trặc nhưng chúng ta bình tĩnh vì 2 điểm quan trọng nhất của đổi mới chương trình, sách giáo khoa gồm: Chương trình là pháp lệnh còn sách giáo khoa chỉ là tham khảo; quy tụ nhiều người biên soạn sách hơn để có sách tốt hơn. Bộ GD&ĐT phải nghiêm khắc nhìn vào những điểm chưa tốt về sách giáo khoa lớp 1 để chấn chỉnh nhưng chủ trương đúng thì phải tiếp tục ủng hộ, cổ vũ.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.

“Sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân”, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.

Tác giả: Hà Cường

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến