Dòng sự kiện:
Sa lầy tín dụng đen, treo thân mình giải thoát
06/04/2019 17:12:56
Cuối năm 2015, anh D. (SN 1984, ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng) vì cá độ dẫn đến nợ nần. Từ đó đến đầu năm 2017, bố mẹ anh D. khốn khổ vì bị một số đối tượng nhắn tin, đến nhà đe dọa, gây sức ép đòi nợ.

Không chịu được cảnh chủ nợ uy hiếp, bố mẹ anh D. nhiều lần phải trả nợ thay cho con trai. Căn nhà là tài sản duy nhất đã bán, tiền tiết kiệm cũng đã lấy ra để trả nợ. Nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, khi bố mẹ anh D. không còn khả năng trả nợ thay con, họ lại tiếp tục bị các đối tượng đòi nợ khủng bố tinh thần, đổ chất bẩn vào nhà.

Nhóm đối tượng đòi nợ kiểu xã hội đen bị bắt giữ 

Những dồn nén đã đẩy bố anh D. phải tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình. Thế nhưng cái chết của ông không làm cho những kẻ cho vay tín dụng đen chùn tay. Chúng tiếp tục điện thoại, nhắn tin, viết thư, gửi ảnh đe dọa, đổ chất bẩn vào nhà anh D., buộc mẹ con anh phải trả nợ...

Câu chuyện buồn thứ hai xảy ra tại một con ngõ nhỏ trên phố Xã Đàn, Hà Nội. Cuộc sống gia đình anh B. (ở quận Đống Đa) đang êm đềm, bỗng một ngày bị xáo trộn bởi những kẻ đến đòi nợ.

Họ đi xe ba gác, đứng giăng đầy cửa để đòi nợ. Thỉnh thoảng hàng xóm nghe tiếng đồ đạc đổ vỡ trong nhà anh B., rồi tiếng anh hét lên bất lực: "Tại sao chúng mày lại làm như vậy..."

Sau nhiều ngày bị những kẻ đòi nợ liên tiếp khủng bố tinh thần, anh B. rầu rĩ, chán nản và rồi một ngày, anh đã tìm cách tự giải thoát cho mình bằng việc treo cổ tự tử, để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người thân yêu.

Hai câu chuyện trên không còn là điều hiếm gặp khi tín dụng đen đang trở thành "con ma" ám ảnh nhiều gia đình. Biết bao bi kịch, đau thương cũng đến từ đây.

Giải pháp nào để hạn chế tín dụng đen?

Là người từng tiếp cận hồ sơ vụ anh D. (ở Hải Phòng), luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho hay, thực tế đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến tín dụng đen mà người vay nợ hoặc người thân thích của họ bị người cho vay khủng bố tinh thần bằng nhiều hình thức, dẫn đến không chịu đựng nổi phải tìm đến cái chết.

Tuy nhiên để xử lý hành vi gây áp lực tinh thần khiến người khác phải tự tử lại rất khó khăn. 

 

Luật sư Giang Hồng Thanh

Cơ quan tố tụng thường chỉ có thể áp dụng điều luật quy định về tội "Cưỡng đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng" hoặc "Hủy hoại tài sản", "Bắt giữ người trái pháp luật"… nếu đủ yếu tố cấu thành để giải quyết vụ án, chứ không có căn cứ để xử lý về tội danh khác liên quan đến cái chết của nạn nhân.

Khách quan mà nói, không phải cá nhân, tổ chức cho vay nào cũng sử dụng biện pháp trái pháp luật để đòi nợ, và cũng không phải người vay nợ nào đều có ý thức trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Nhưng dù sao, việc cho vay quá mức lãi suất quy định đã là hành vi bị nghiêm cấm, còn đòi nợ bằng các biện pháp khủng bố tinh thần lại càng cần phải nghiêm trị.

Trả lời câu hỏi: Tại sao có rủi ro như vậy mà nhiều người vẫn vay nợ từ các tổ chức tín dụng đen?, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng: Điều này xuất phát từ nhu cầu vay tiền có thực của người dân.

Nhiều khi người dân có những khoản chi tiêu đột xuất nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hợp pháp, vì không đáp ứng được yêu cầu pháp lý hoặc không đảm bảo tính kịp thời nên phải tìm đến những cá nhân, tổ chức cho vay nợ ngoài xã hội, dù biết rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với họ.

Để hạn chế tình trạng này, thiết nghĩ các tổ chức tín dụng hợp pháp cần có giải pháp linh hoạt, thuận tiện hơn cho mọi người có nhu cầu được vay vốn, nhất là các khoản vay ít, đột xuất. Được như vậy, người dân sẽ tự khắc tránh xa những nơi cho vay không an toàn. 

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, cần sửa đổi quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay vượt quá lãi suất quy định. Cụ thể là sửa đổi điểm d, khoản 3, Điều 11 Nghị định 167/2013 ngày 12 tháng 11 năm 2013: "Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay".

Hiện nay, pháp luật không còn quy định về mức lãi suất cơ bản nữa nên nếu vẫn để chế tài này, sẽ không thể xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng là tiền đề để xử lý hình sự hành vi đó.

Theo Tiền Phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến