Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương ghi nhận doanh thu đạt 40 tỷ đồng, giảm gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng gấp đôi khiến công ty lỗ thuần lên đến 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước số lỗ chỉ 13 tỷ đồng.
Sau khi tính thêm các khoản chi phí khác như tiền thuê đất, khấu hao, nộp phạt vi phạm hành chính, chủ thương hiệu Sá xị Chương Dương báo lỗ trước thuế xấp xỉ 40 tỷ đồng và lỗ sau thuế 46 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ đậm nhất trong chuỗi 12 quý liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn của doanh nghiệp này. Trước đó, mức lỗ đậm nhất tính theo quý của công ty là 35 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, công ty ghi nhận doanh thu 141 tỷ đồng và lỗ sau thuế xấp xỉ 120 tỷ đồng. Kết quả này kém xa so với mục tiêu doanh thu 365 tỷ đồng và lãi 3,8 tỷ đồng được ban lãnh đạo đề ra trước đó.
Thực tế, ban lãnh đạo đã thừa nhận không dễ để hoàn thành kế hoạch bởi "các thách thức mà công ty đối diện trong năm nay rất nhiều". Công ty lo lắng lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng khiến chi phí tài chính bị đội lên và dự thảo đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có thể làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, hàng loạt nhân sự phòng kinh doanh nghỉ việc khiến kênh bán hàng truyền thống chịu áp lực lớn.
Trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh mới đây, ban lãnh đạo công ty cho biết, hoạt động kinh doanh. tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu thấp hơn dự kiến đi kèm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm đều tăng cao. Đồng thời, chi phí thuê đất tăng cũng như các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tính đến cuối năm, công ty đang lỗ lũy kế hơn 200 tỷ đồng. Khoản lỗ này khiến vốn chủ sở hữu của công ty âm hơn 11 tỷ đồng.
Tổng tài sản đạt 687 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả của công ty xấp xỉ 700 tỷ đồng, tăng hơn 210 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn là khoản mục biến động mạnh nhất trên báo cáo tài chính khi lên đến 438 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm, trong khi đầu năm chỉ khoảng 93 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh bết bát khiến giá cổ phiếu lao dốc. Sáng 22/1, cổ phiếu này giảm hết biên độ 7%, xuống 13.950 đồng dù khối lượng khớp lệnh không đáng kể.
Cổ phiếu SCD bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện kiểm soát từ ngày 24/08/2023 vì báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm ghi nhận lỗ lũy kế gần 120 tỷ đồng. Ban lãnh đạo sau đó cho biết công ty đã nỗ ực rất nhiều về tối ưu hóa chi phí và đẩy mạnh kinh doanh, nhưng doanh thu vẫn giảm do sụt giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nước giải khát, cộng thêm tồn kho của đối tác tăng cao. Để thoát lỗ, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng độ phủ và kênh phân phối nhằm tăng sản lượng bán hàng, tối ưu hóa chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công ty mới có thêm cổ đông lớn vào đầu tháng này khi ông Doãn Thiên Tân, một nhà đầu tư ở Hà Nội, mua thêm 50.400 cổ phiếu để nâng sở hữu tại đây lên 437.760 cổ phiếu, tương ứng 5,15% vốn. Ông Tân hiện là cổ đông lớn thứ ba của doanh nghiệp này. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với 5,26 triệu cổ phiếu (tương ứng 62,06%). Cổ đông lớn còn lại là bà Đỗ Thúy Nhung với sở hữu 540.000 cổ phiếu (tương ứng 6,37%).
Tác giả: Minh Khôi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy