Dòng sự kiện:
Sabeco và 3.100 tỉ đồng cưỡng chế thuế
11/01/2019 06:16:36
Ngày 28/12/2018, Sabeco đã nhận được tám quyết định của Cục Thuế TP HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của tổng công ty.

Ngày 3/1/2019 Tổng công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn (SAB - Sabeco) công bố thông tin trên cổng điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Hose, theo đó Sabeco cho biết ngày 28/12/2018 đã nhận được tám quyết định của Cục Thuế TP HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của tổng công ty. Sabeco nhấn mạnh hiện nay tổng công ty chỉ có tài khoản hoạt động tại năm ngân hàng. Các tài khoản ở ba ngân hàng khác đã được đóng.

Từ trường hợp của Sabeco, giới đầu tư từ nay sẽ rút kinh nghiệm, sẽ thận trọng hơn trước mỗi đợt thoái vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp quy mô lớn.

Một ngày sau đó, Cục Thuế TP HCM quyết định dừng cưỡng chế thuế 3.139 tỉ đồng đối với Sabeco sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chưa cưỡng chế và đang chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan xem xét xử lý. Số tiền cưỡng chế trên bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 - 2015, tiền phạt vi phạm hành chính.

Sabeco trong công bố thông tin trên Hose ngày 30/12/2018 khẳng định “không có bất cứ hành vi sai phạm nào trong kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt”. Và “việc tuân thủ pháp luật thuế của Sabeco theo đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước”. Và “mối quan hệ sâu sắc về việc lợi ích hợp pháp của chúng tôi bị đe dọa do sự thiếu nhất quán trong quan điểm của các cơ quan nhà nước”.

Từ các diễn biến trên, lần giở lại bản công bố thông tin về việc thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco cuối năm 2017, chúng ta thấy ở trang 42 như sau “Theo Thông báo số 119 ngày 4-2-2015 của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2013 và kết luận thanh tra số 18234 ngày 8/12.2015 của Bộ Tài chính về thông tin tài chính năm 2014 và chín tháng đầu năm 2015, Sabeco phải nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách nhà nước. Tất cả các khoản thuế này đã được tổng công ty nộp vào ngân sách nhà nước và được phản ánh trên báo cáo tài chính hợp nhất”.

Tương tự tại trang 43 của bản công bố thông tin “số thuế tiêu thụ đặc biệt tổng công ty phải nộp bổ sung giai đoạn 2007 - 2015 theo kiến nghị của các cơ quan chức năng là 4.769 tỉ đồng. Tổng công ty đã hoàn tất việc nộp số thuế tiêu thụ đặc biệt nêu trên trong năm 2016”.

Bộ Công Thương, một trong những tác giả chính của bản công bố thông tin thoái vốn, hai lần ghi nhận rõ ràng Sabeco đã nộp các khoản thuế theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ở trang 37 tại khoản mục “thuế và các khoản phải trả Nhà nước” nhà đầu tư tìm thấy số liệu đến ngày 31-12-2015 Sabeco phải trả Nhà nước 4.261 tỉ đồng; đến ngày 31-12-2016 phải trả 804 tỉ đồng; đến ngày 30-9-2017 phải trả 754 tỉ đồng.

Nếu Sabeco đã nộp hai lần, thì các khoản phải trả tại sao vẫn còn hạch toán ở đây? Việc có các khoản phải trả lớn như vậy không thể không ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính của tổng công ty. Khi các chỉ số tài chính thay đổi, tức căn cứ để nhà đầu tư bỏ giá đấu thầu mua cổ phần cũng thay đổi theo. Mức giá khởi điểm đấu giá sẽ được đánh giá, nhìn nhận dưới một góc độ khác.

Theo quy định về cổ phần hóa, chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, mọi khoản nợ (phải thu, phải trả) của đơn vị cổ phần hóa phải được xử lý dứt điểm trước khi bán cổ phần ra công chúng. Với việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco cuối năm 2017, đặc biệt với tỷ lệ hơn 51%, việc xử lý các khoản phải thu, phải trả càng phải được hoàn tất một cách minh bạch, công khai để nhà đầu tư được rõ.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn Sabeco diễn ra vào cuối năm 2017 mà sự thành công của nó được nhận định là tốt nhất từ trước đến nay, tốt nhất trong quá trình 25 năm cổ phần hóa, cải cách khối doanh nghiệp quốc doanh, nhưng việc tiến hành cưỡng chế thuế lại xảy ra một năm sau khi Nhà nước thoái vốn. Điều đáng nói ở đây là số thuế mà Sabeco phải nộp (nếu Chính phủ kết luận là “có”) thuộc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quá khứ, tức mang tính hồi tố. Những nhà đầu tư mới, những cổ đông mới của Sabeco khi mua cổ phần tổng công ty nhìn vào thực tại doanh nghiệp để trả giá. Họ có thể không ngờ và không tính đến số thuế hồi tố mà Sabeco phải nộp, đơn giản vì bản công bố thông tin thoái vốn nêu rõ tổng công ty “đã nộp rồi”.

Việc cưỡng chế thuế đối với Sabeco của các cơ quan chức năng và phản ứng của chính Sabeco đang gây sự chú ý cao độ của giới đầu tư cả trong và ngoài nước. Có ý kiến cho rằng đáng lẽ Nhà nước phải kiên quyết “bắt” Sabeco nộp thuế, nếu đúng như kết luận của các cơ quan chức năng, trước khi thoái vốn. Đằng này Nhà nước để Sabeco trong tình trạng “mập mờ”: nộp thuế rồi, nhưng vẫn còn đó các khoản phải trả Nhà nước, khiến nhà đầu tư ai muốn hiểu sao, hiểu theo cách nào cũng được.

Nhà nước đang cho thấy có quyền hồi tố các khoản thuế phải nộp, có quyền cưỡng chế thuế sau khi đã thoái vốn thành công, vậy liệu nhà đầu tư có quyền thương lượng lại giá mua cổ phần Sabeco? Tiền đã trao, cháo đã múc. Hơn nữa cơ quan quản lý ngân khố quốc gia chỉ muốn thu mà không muốn chi, thì nhà đầu tư biết trông cậy vào đâu?

Hiện nay, không chỉ ở các nền kinh tế phát triển, ngay cả ở các nước đang phát triển, người tiêu dùng khi mua sắm, có thể giữ lại hóa đơn và có quyền trả, đổi hàng hóa đã mua trong vòng 30 ngày nếu lỡ mua rồi, nhưng mang về nhà kiểm tra lại, không ưng ý. Tất nhiên việc thoái vốn Sabeco mang về cho ngân sách gần 5 tỉ đô la Mỹ không thể so sánh với việc mua sắm của người tiêu dùng, nhưng vụ chuyển nhượng càng lớn thì không chỉ bên mua, mà bên bán cũng cần tôn trọng luật chơi. Đó là sự nhất quán, công khai, minh bạch. Môi trường đầu tư, kinh doanh của bất kỳ nước nào cũng đặt trên những nguyên tắc mang tính nền tảng đó.

Từ trường hợp của Sabeco, giới đầu tư từ nay sẽ rút kinh nghiệm, sẽ thận trọng hơn trước mỗi đợt thoái vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp quy mô lớn. Công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước hiện đang ở giai đoạn đỉnh điểm, IPO, thoái vốn những đơn vị tầm cỡ. Hơn 3.100 tỉ đồng cưỡng chế thuế ở Sabeco là số tiền không nhỏ nếu ngân sách thu được, nhưng cái chúng ta có thể mất lớn hơn là lòng tin của giới đầu tư vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. 

Sabeco sau một năm bán vốn cho người Thái

Đầu tháng 12 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) đã thông qua việc Công ty cổ phần Rượu bia Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên mức 100%.

Trước đó, ThaiBev (chủ sở hữu 51% cổ phần của Công ty TNHH Vietnam Beverage - doanh nghiệp mua 53,59% số cổ phần của Sabeco vào cuối năm 2017) đã tuyên bố mua lại toàn bộ khoản nợ 4,9 tỉ đô la Mỹ của Vietnam Beverage.

Hay nói khác đi, động thái này nhằm công khai hóa việc ThaiBev sở hữu cổ phần tại Sabeco, còn Vietnam Beverage trở thành doanh nghiệp nước ngoài.

Với diễn biến này, nợ nước ngoài của quốc gia đã giảm gần 5 tỉ đô la nhờ khoản nợ nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiêp đã không còn khoản nợ vay mua cổ phiếu Sabeco (nhớ lại năm 2017, nợ nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiêp tăng đột biến 73%) .

Qua đó có thể thấy, chỉ cần một doanh nghiệp lớn thay đổi tỷ lệ sở hữu hay mua - bán các khoản nợ vay, bức tranh tài chính quốc gia đã bị ảnh hưởng, kéo theo sự bị động của nhiều doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước khi phải chạy theo để tính toán, cân đối lại dòng ngoại tệ “ra - vào” như thế nào.

Ví dụ, một công ty X năm 2017 dự định vay 500 triệu đô la Mỹ theo hình thức tự vay tự trả nhưng do định mức vay nợ nước ngoài của Việt Nam đã hết, nên họ không thể vay (theo quy định thì việc vay nợ nước ngoài, dù là tự vay - tự trả, vẫn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới được vay).

Đến đây một câu hỏi được đặt ra là khi Vietnam Beverage đi vay nước ngoài để mua cổ phiếu Sabeco lẽ nào NHNN không biết. Mà nếu biết chuyện đi vay này sẽ làm tăng nợ nước ngoài của quốc gia thì sao NHNN không thông báo với Bộ Tài chính, hay Bộ Tài chính cũng biết mà không lên tiếng.

Một khả năng khác mà dư luận không thể bỏ qua là liệu hai cơ quan này có biết trước kịch bản ThaiBev sẽ mua lại khoản nợ này, nên nợ quốc gia dù có tăng rồi cũng sẽ giảm lại ngay thôi!

Dường như chúng ta chỉ quan tâm đến mục đích cuối cùng là hoàn thành thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco, mà kết quả là thu về được 110.000 tỉ đồng - một thắng lợi lớn trong lịch sử bán vốn nhà nước từ trước đến nay - nên những yếu tố khác trở nên không quan trọng lắm.

Hiện Sabeco vẫn còn 36% cổ phần của Nhà nước, đã được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Xét về lý, nếu những quyết định lớn của HĐQT Sabeco có thể ảnh hưởng hay tác động không tốt đến quyền lợi của chủ sở hữu nhà nước thì ủy ban này có thể dùng 36% số cổ phần này để phủ quyết. Nhưng sau một năm bán vốn cho người Thái, người ta dường như không thấy “tiếng nói” của cổ đông nhà nước trong những vụ lùm xùm gần đây của doanh nghiệp này.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến