Sau những phiên rung lắc và giằng co nhẹ, thị trường đã có diễn biến tiêu cực hơn trong phiên giao dịch ngày hôm qua (7/4), khi lực bán tăng mạnh trên nhiều nhóm ngành, kể cả nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng, đã đẩy VN-Index giảm khá sâu.
Tuy nhiên, thanh khoản không tạo được đột biến cho thấy lực cung phần nhiều là hành động chốt lời ngắn hạn của một bộ phận nhà đầu tư. Đặc biệt, các ngưỡng hỗ trợ tiềm năng của thị trường lần lượt là ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và ngưỡng kỹ thuật 1.490 điểm (MA20-50) vẫn được giữ vững để tạo điểm tựa cho phiên tiếp theo.
Dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần, SHS cho rằng, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu như vùng hỗ trợ trong khoảng 1.490-1.500 điểm được giữ vững.
Quay lại phiên giao dịch ngày cuối tuần 8/4, tâm lý thận trọng của bên mua cùng áp lực bán không quá mạnh khiến thị trường trở lại trạng thái rung lắc nhẹ quanh vùng giá tham chiếu.
Sau khoảng 30 phút giao dịch, trong khi thị trường vẫn duy trì trạng thái phân hóa mạnh, thì áp lực bán có phần chiếm ưu thế hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index để mất mốc 1.500 điểm.
Ngay khi thủng ngưỡng tâm lý trên, lực cầu đã gia tăng tích cực giúp VN-Index bật ngược đi lên và hồi phục sắc xanh. Tuy nhiên, với dòng tiền tham gia còn khá dè dặt khiến thị trường không có nhiều đột biến, chỉ số VN-Index vẫn trong trạng thái biến động nhẹ.
Điểm đáng chú ý, trong khi dòng bank vẫn tỏ ra khá yếu với sắc đỏ bao trùm trên diện rộng toàn ngành, thì nhóm cổ phiếu bất động sản lại đang có tín hiệu tích cực sau nhiều phiên liên tiếp bị bán mạnh.
Trong đó, cổ phiếu đầu ngành VIC đang là đầu tàu dẫn dắt thị trường khi tăng trên 2,5%; các mã khác như VHM, NVL, BCM, DIG, SJS, DXG, BCG, SCR… cũng hồi phục sắc xanh.
Được biết, ngày hôm qua (7/4), VinFast đã đăng thông báo về việc công ty VinFast Trading & Investment Pte. Ltd., một công ty con được thành lập tại Singapore của Tập đoàn Vingroup công bố đã nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ theo mẫu F-1 lên UBCK Hoa Kỳ ("SEC") liên quan đến việc đề xuất chào bán cổ phiếu phổ thông ra công chúng.
Quy mô đợt phát hành và giá chào bán cổ phiếu vẫn chưa được xác định. Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự kiến sẽ diễn ra sau khi SEC hoàn tất quá trình xem xét, và tùy thuộc vào thị trường và các điều kiện khác.
Theo Reuters, số tiền huy động được phục vụ cho kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD xây dựng nhà máy đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Đây có thể là thông tin tích cực tiếp sức giúp VIC tăng tốt trong phiên sáng nay, sau 3 phiên liên tiếp mất điểm trước đó.
Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Với số mã giảm điểm gấp tới hơn 3 lần số mã tăng, đẩy các chỉ số chung về mức thấp nhất trong phiên.
Kết phiên sáng,sàn HOSE có tới 345 mã giảm (1 mã sàn là MCP), gấp tới gần 4 lần số mã tăng (94 mã, với 1 mã trần duy nhất là RIC), VN-Index giảm 8,82 điểm (-0,59%), xuống 1.493,53 điểm.
Thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 356 triệu đơn vị, giá trị 11.019 tỷ đồng, giảm 28,28% về khối lượng và 34,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,64 triệu đơn vị, giá trị gần 284 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng tương đương thị trường chung khi để mất gần 8 điểm, với việc ghi nhận 20 mã giảm và chỉ có 5 mã tăng.
Trong đó, VIC được hỗ trợ bởi thông tin tích cực vẫn giữ đà tăng tốt với biên độ 2,5% và chốt phiên đứng tại mức giá 81.500 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động với khối lượng khớp lệnh gần 3 triệu đơn vị.
Người anh em VHM cũng xanh nhạt, cùng các mã ACB, NVL, KDH tăng trên dưới 0,5%.
Ngược lại, cổ phiếu FPT đảo chiều giảm 3,1% rơi xuống vùng giá thấp nhất trong phiên 109.800 đồng/CP. Tương tự, GVR và BID cũng quay đầu điều chỉnh sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, lần lượt để mất 2,2 – 2,1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc đỏ cũng phủ kín. Trong đó, HAG sau nhịp hồi phục đầu phiên đã bị bán mạnh và có thời điểm nằm sàn. Chốt phiên, HAG giảm 4,9% xuống mức 12.650 đồng/CP và là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 24,2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu GEX vẫn chưa thoát khỏi phiên điều chỉnh và ghi nhận phiên giảm khá mạnh thứ 4 liên tiếp. Chốt phiên sáng nay, GEX giảm 4,1% xuống gần mức giá thấp nhất trong phiên 35.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua HAG, đạt 13,05 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, ngoại trừ duy nhất ACB nhích nhẹ và VCB đứng giá tham chiếu, các thành viên khác của dòng bank đều chốt phiên trong sắc đỏ với mức giảm chủ yếu trên 1%, đáng kể có BID, SHB, EIB giảm hơn 2%.
Nhóm cổ phiếu trụ cột còn lại là chứng khoán và thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường với sắc đỏ phủ kín toàn ngành cùng thanh khoản sụt giảm. Trong đó, cổ phiếu lớn HPG giữ mốc tham chiếu với khối lượng khớp lệnh lớn nhất ngành, chỉ đạt hơn 5,7 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản có phần tích cực hơn đôi chút khi có sự dẫn dắt của đầu tàu VIC, cùng sắc xanh nhạt ở một số mã VHM, NVL, BCM, DIG, KDH.
Trên sàn HNX, lực bán dâng cao cũng khiến HNX-Index giảm sâu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và 166 mã giảm, HNX-Index giảm 3,82 điểm (-0,86%), xuống 437,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 38 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.215 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,65 triệu đơn vị, giá trị 51,56 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng chỉ có 6 mã tăng, trong đó HUT tăng tốt nhất với biên độ tăng 4%, chốt phiên đứng tại mức giá 33.800 đồng/CP; CEO tăng 1,5% lên 59.600 đồng/CP; các mã L14, MBS, SLS, THD nhích nhẹ trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, IDC là một trong những nhân tố chính khiến thị trường giảm sâu khi chốt phiên để mất 6,1% và chốt phiên đứng tại mức giá 67.700 đồng/CP. Một số mã giảm mạnh khác như NRC giảm 5,3%, TAR giảm 4,8%, PVB giảm 4%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, số mã giảm điểm cũng chiếm áp đảo, trong đó AMV giảm 3,6%, KLF giảm 1,8%, IDJ giảm 2,4%, ACM giảm 3,4%...
Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng đi ngược xu hướng thị trường. Điển hình là POT có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp. Tạm chốt phiên sáng nay, POT leo lên mức giá 30.300 đồng/CP, tăng tới gần 55% trong những phiên đầu tháng 4.
Về thanh khoản, cặp IDC và SHS dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 3,9 triệu đơn vị và 3,55 triệu đơn vị. Tiếp theo, HUT, PVS, CEO, TAR, AMV, KLF, TNG, TVC khớp trên 1 triệu đơn vị.
Thị trường cũng giảm mạnh đẩy UPCoM-Index về mức giá thấp nhất trong phiên. Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,37 điểm (-1,18%), xuống 114,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52 triệu đơn vị, giá trị 722 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 9,4 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý trên thị trường là cổ phiếu SP2 với diễn biến đột biến cả về giá và thanh khoản. Chốt phiên sáng nay, SP2 tăng 12,5% lên mức giá 16.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt hơn 5,9 triệu đơn vị.
Trước đó, Tổng công ty Sông Đà đã đăng ký bán toàn bộ hơn 5,8 triệu cổ phiếu SP2, tỷ lệ 38,39%, dự kiến giao dịch từ ngày 22/3 đến ngày 11/4 nhằm mục đích tái cơ cấu tài chính. Rất có thể trong phiên giao dịch hôm nay, Tổng công ty Sông Đà đã hoàn tất đợt thoái vốn tại SP2.
Trong khi đó, các mã giao dịch sôi động khác như C4G, PVX, VGT, DCS, BSR có khối lượng giao dịch một vài triệu đơn vị đều chốt phiên giảm mạnh, đáng kể DCS giảm sát sàn, C4G và PVX giảm trên dưới 6%...
Tác giả: T.Thúy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy