Dòng sự kiện:
Sách giáo khoa lớp 1: Đa dạng hóa và 'cuộc chiến' giành thị phần
23/11/2019 18:43:41
Có tới 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 khác nhau để các địa phương lựa chọn, sử dụng trong các nhà trường từ năm học 2020-2021. Các nhà xuất bản đang nỗ lực để chiếm lĩnh thị phần.

Hoàn thiện ấn phẩm sách giáo khoa trước khi bán ra thị trường. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 32 bản sách đạt thẩm định, được phép sử dụng trong các trường học bắt đầu từ năm học 2020-2021, không còn là một bộ sách giáo khoa duy nhất dùng chung cho cả nước như trước đây. Các địa phương, nhà trường sẽ có quyền lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với địa phương mình.

“Bộ sách hay mấy mà không được chọn thì cũng đắp chiếu,” ông Vũ Bá Khánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, công ty trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị chủ trì bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” thẳng thắn nói.

“Cuộc chiến” dành thị phần của các nhà xuất bản bắt đầu sôi động.

Tiếp thị sớm

Mặc dù chiều qua, ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức họp báo công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (ký ngày 21/11) về các sách giáo khoa lớp 1 đạt yêu cầu thẩm định và được sử dụng trong các nhà trường từ năm học 2020-2021, nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp thị sách này đến các địa phương ngay từ đầu tháng Chín.

Trong công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo ngày 9/9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng nêu rõ đơn vị này có 4 bộ sách lớp 1 theo chương trình mới với 4 tên gọi khác nhau, gồm bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Nhà xuất bản Việt Nam bày tỏ mong muốn được phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức hội thảo giới thiệu sách; đào tạo, tập huấn giáo viên...

Đơn vị này cũng không quên nhắc đến “đối thủ cạnh tranh” là Công ty Cổ phần Đầu từ xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), đơn vị biên soạn sách đăng ký xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. “Đây là công ty có sự tham gia cổ phần của các cá nhân nguyên là cán bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nghỉ hưu; để tránh nhầm lẫn trong quá trình phối hợp triển khai công việc, chúng tôi xin được thông báo: Công ty VEPIC không phải là đơn vị thuộc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam,” Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi trong công văn.

Ngày 8/11 vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo tại Hà Nội để giới thiệu về 4 bộ sách của mình.

Học sinh lớp 1 sẽ được học sách mới từ năm học 2020-2021. (Ảnh: TTXVN)

Giấy đẹp, giá cạnh tranh, hỗ trợ tập huấn

Tại buổi hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên môn Tiếng Việt, Ngữ văn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị này sẽ hỗ trợ tích cực các địa phương chọn sách trong việc tập huấn giáo viên tài liệu in, clip quay bài trình bày của tổng chủ biên, bài dạy mẫu của giáo viên lớp 1. Việc tập huấn sẽ được triển khai cho cả giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Không chỉ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà các công ty thành viên biên soạn sách của đơn vị này cũng tích cực tiếp thị sách. Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội đã chủ động gặp gỡ báo chí để chia sẻ về bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực.” Theo Tổng Giám đốc Vũ Bá Khánh, bộ sách có mức độ tiếp cận kiến thức hợp lý, phù hợp với sức học của đại đa số học sinh ở tất cả các vùng miền, thân thiện và dễ sử dụng cho cả giáo viên và học sinh. Sách được in ấn trên chất liệu giấy tốt, hình ảnh đẹp, tiệm cận chất lượng ấn phẩm sách giáo khoa quốc tế.

Ông Khánh cũng cho biết sách mới sẽ hạn chế tối đa sách tham khảo đi kèm và có tính đến yếu tố kỹ thuật để học sinh không viết vào sách, nhằm tái sử dụng nhiều lần. Không tiết lộ về giá thành, nhưng theo ông Khánh, với cơ chế cạnh tranh, giá sách cũng phải hợp lý.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề cập đến vấn đề giá sách giáo khoa. Ông Thuyết cho rằng cần có giải pháp để tránh trường hợp các đơn vị trường vốn hạ thấp giá thành nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

Bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực". (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lo ngại lợi ích nhóm

Đa dạng sách giáo khoa sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản để tăng chất lượng sách cả về nội dung lẫn hình thức, giá cả, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người học. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề lợi ích nhóm.

Theo thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương, người từng có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản, quốc gia vốn có sự đa dạng sách giáo khoa rất sớm, ngay từ thế kỷ 19, nếu không có cơ chế kiểm soát chéo, sự thanh tra giám sát chặt chẽ của ngành, của công luận thì sẽ dẫn đến tình trạng đi đêm giữa đơn vị xuất bản và đơn vị thẩm định, đơn vị tuyển chọn, dẫn đến học sinh không được học bộ sách tốt nhất.

“Ở Nhật đã từng xảy ra vụ án sách giáo khoa vào thời Minh Trị, thế kỷ 19. Chính Thiên Hoàng Minh Trị đã phải chỉ đạo vụ án này và bắt hàng trăm người, trong đó có cả thứ trưởng Bộ Giáo dục. Vì vậy, xây dựng quy chế thẩm định, lựa chọn chặt chẽ, khoa học, hợp lý, tránh các khe hở để tạo ra lợi ích nhóm hay tiêu cực vốn rất dễ xảy ra là vấn đề rất quan trọng. Đây là những rủi ro cần phải tính toán thật kỹ,” ông Vương chia sẻ.

Trước lo ngại này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Trong dự thảo hướng dẫn để các địa phương lựa chọn sách giáo khoa, Bộ đã tính đến việc này. Theo đó, các hội đồng lựa chọn sách phải xây dựng tiêu chí. Ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh, để khi lựa chọn có sự đồng thuận nhất định thì mới công bố sách giáo khoa được dùng,” ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Cho rằng lo ngại về lợi ích nhóm là có cơ sở, nhưng theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, điều quan trọng là người đứng đầu phải thực sự công tâm, minh bạch và chặt chẽ, đặt quyền lợi học sinh lên trên hết.

“Như ở Nghệ An, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu tôi trình bày về vấn đề chọn sách giáo khoa, trong đó nhấn mạnh việc phải đặt chất lượng giáo dục địa phương lên hàng đầu. Khi người lãnh đạo công tâm thì bên dưới cũng sẽ không dám sai phạm. Nếu chọn sai, chất lượng giáo dục đi xuống, bản thân tôi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước địa phương. Vì vậy, việc chọn sách sẽ được Nghệ An thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, công bằng,” ông Thành chia sẻ.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến