Sacombank trở thành ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam
02/10/2015 09:46:20
ANTT.VN – Ngày 1/10, ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) đã chính thức ký kết bàn giao sáp nhập vào ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đưa Sacombank trở thành ngân hàng TMCP lớn nhất trên thị trường Việt Nam.

Tin liên quan

Đồng nghĩa với đó, cái tên Ngân hàng Phương Nam cũng sẽ không còn tồn tại trên thị trường. Hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ còn 27 ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và 3 ngân hàng TNHH Một thành viên.

Sacombank sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, nhân sự, mạng lưới, số liệu cũng như quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Southern Bank và cam kết duy trì quyền, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác, cổ đông của cả hai ngân hàng.

Lễ bàn giao sáp nhập Southern Bank vào Sacombank hôm 1/10.

Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.

Trước đó, ngày 21/9/2015 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 7168/NHNN-TTGSNH chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Sacombank từ 12.425 tỷ đồng lên mức 18.853 tỷ đồng.

Cũng từ ngày 01/10, Ngân hàng Nhà nước trở thành cổ đông quan trọng của Sacombank sau sáp nhập bởi ông Trầm Bê, phó chủ tịch thường trực HĐQT đã cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN các quyền cổ đông.

Tham dự và phát biểu tại lễ ký kết bàn giao sáp nhập Southern Bank vào Sacombank , Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết:  “Việc tự nguyện sáp nhập Southern Bank vào Sacombank là phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhằm tạo nên một ngân hàng lớn, lành mạnh phục vụ tốt cho nền kinh tế và đủ sức vươn ra thị trường quốc tế.

Sau sáp nhập, Sacombank trở thành ngân hàng lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần và chỉ sau 4 ngân hàng có yếu tố quốc doanh. Sự cộng hưởng này không phải là cộng cơ học mà là sự hợp lực của hai ngân hàng để mang lại lợi ích lớn hơn cho khách hàng, cổ đông, phù hợp với xu hướng hội nhập. Ngoài ra, tôi cũng đánh giá tốt đối với công tác chuẩn bị sáp nhập của hai ngân hàng”. 

Diệu Ly (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến