Sai phạm dày đặc tại Dự án BOT cầu Đồng Nai
31/10/2016 09:24:07
Phát lộ những sai phạm khá dày đặc và nghiêm trọng tại Dự án Xây dựng cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu theo hợp đồng BOT.

Tin liên quan

Nhà đầu tư… “đội mũ phớt”

Với 29 trang A4 (chưa tính phần phụ lục), Kết luận thanh tra Dự án Xây dựng cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tiến hành trong vòng 8 tháng đã cho thấy tính chất phức tạp trong công tác huy động vốn, triển khai đầu tư công trình BOT hạ tầng lớn ở khu vực phía Nam này.

Trên thực tế, những sai sót, hạn chế được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra xuất hiện ở các khâu tại Dự án do Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) là nhà đầu tư đều khá nghiêm trọng, mang tính “kinh điển”.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT xây dựng cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu bao gồm các hạng mục: Nút giao Tân Vạn, cầu Đồng Nai mới, nút giao Vũng Tàu, nâng cấp cầu Đồng Nai cũ và đường gom kết nối vào dự án với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.680,8 tỷ đồng. Sau 3 lần điều chỉnh, bổ sung, hiện tổng mức đầu tư Dự án đã đội lên 2.005 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật là 569.492,13 triệu đồng (sử dụng vốn NSNN); vốn nhà đầu tư 30%; vốn vay 70%. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí trong 18 năm 4 tháng 10 ngày.

Theo ghi nhận của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư Dự án được phê duyệt (2.005,5 tỷ đồng) cao hơn tổng mức đầu tư bước lập Đề xuất Dự án (1.584 tỷ đồng) khi chưa có ý kiến thỏa thuận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Điều đáng nói là, đơn vị tư vấn lập dự án đã có văn bản giải trình gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhưng đơn vị này không có ý kiến trả lời, nên khi ký Hợp đồng Dự án, tổng mức đầu tư đã phải điều chỉnh giảm 127,612 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt.

“Nguyên nhân là do công tác thẩm định dự án còn thiếu sót. Các sai sót chỉ được phát hiện khi đàm phán hợp đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Cũng giống như một số dự án BOT được triển khai từ năm 2013 về trước, việc quản lý cổ đông, kiểm soát chi phí tại dự án này, theo ghi nhận của đoàn Thanh tra là “khá lộn xộn”.

Cụ thể, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng cầu Đồng Nai từ năm 2008, đến nay đã thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 3 lần, các lần thay đổi chủ yếu là thay đổi các cổ đông góp vốn. Trong tất cả các lần thay đổi, nhà đầu tư đều không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi cổ đông theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ và mục 5, Điều 45, Thông tư 03/2011/TT-BKHĐT ngày 27/11/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nhà đầu tư cũng phớt lờ việc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự thay đổi danh tính đơn vị cung cấp tín dụng, trong đó hợp đồng vay vốn có một số điều khoản gây bất lợi cho Nhà nước và người tham gia giao thông “Nội dung Hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Sở Giao dịch III chưa phù hợp với quy định của hợp đồng BOT (khi phải dùng toàn bộ nguồn tiền thu được từ trạm thu phí Sông Phan sau khi trừ thuế VAT, phí quản lý thu, chi phí duy tu bảo dưỡng để hoàn trả nợ gốc và lãi vay khi đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai) đã làm tăng phần lãi vay trong thời gian xây dựng”, Thanh tra Bộ GTVT ghi nhận.

“Thả gà ra đuổi”

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh lần 3 ngày 24/6/2015, nhà đầu tư phải góp 461 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, số tiền thực góp mới chỉ là 365 tỷ đồng (trong đó CC1 góp được 247,035 tỷ đồng; các cổ đông khác gồm 16 tổ chức và một số cán bộ, công nhân viên của Công ty góp 117,965 tỷ đồng). Như vậy, còn thiếu so với đăng ký là 96 tỷ đồng và chưa thực hiện theo đúng quy định tại Điều 5, Nghị định số 108/2009/NĐ - CP của Chính phủ.

“Sai sót này thuộc về các cổ đông và các cơ quan chức năng của Bộ GTVT gồm Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đơn vị được giao đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giám sát việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng”, một chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Bộ GTVT, mặc dù doanh nghiệp dự án được thành lập để thực hiện dự án, nhưng công tác hạch toán kế toán và quản lý tài chính được tổ chức tập trung tại CC1, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát và minh bạch thông tin, tách bạch chi phí… và hiện có một số phát sinh cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thuộc dự án, nhưng đang được hạch toán vào Dự án (phát hành trái phiếu, lãi suất, khoản thu phí Sông Phan; một số khoản chi phí).

Cũng theo Bộ GTVT, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án chưa tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn: Kế hoạch đấu thầu chưa hợp lý, chia nhiều gói thầu quá nhỏ; áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc tự thực hiện để lựa chọn nhà thầu, nhưng hồ sơ yêu cầu sơ sài, không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số gói thầu xây lắp lựa chọn nhà thầu thi công khi chưa có hồ sơ thiết kế và dự toán được duyệt.

Năng lực, kinh nghiệm một số nhà thầu được lựa chọn chưa phù hợp với yêu cầu của dự án, quy định của pháp luật (nhà thầu thẩm tra dự án - Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông Trường Thịnh: không có tài liệu chứng minh năng lực kinh nghiệm đã thẩm tra dự án tương tự; Công ty Huy Thục, Công ty Việt Hưng, Công ty CP Xây dựng 14 chưa tham gia thi công công trình cấp II, hoặc 2 công trình cấp III tương tự; Chỉ huy trưởng của liên danh Công ty Hà Đông Bắc - Công ty Huy Thục chưa tham gia chỉ huy trưởng  công trình cấp II hoặc 2 công trình cấp III cùng loại…).

Việc quản lý thực hiện Hợp đồng xây dựng của nhà đầu tư đối với các nhà thầu tham gia dự án còn nhiều tồn tại. Cụ thể, nhiều hợp đồng, hạng mục công trình thực hiện trải dài qua các giai đoạn triển khai Dự án (do chậm GPMB, thay đổi, điều chỉnh thiết kế), nên bị chồng lấn khối lượng thanh toán (chồng lấn giữa thi công đảm bảo giao thông các thời kỳ và thi công phần kết cấu chính của Dự án).

Hầu hết trong các hợp đồng được nhà đầu tư cho ứng từ 30%, 50% đến 60-70%, đến nay có nhà thầu đã bàn giao công trình, nhưng chưa thu hồi được hết tạm ứng (Công ty Việt Hưng nợ gần 12 tỷ đồng, Công ty Việt Hòa nợ 5,7 tỷ đồng, Công ty Mê Kông nợ 6,648 tỷ đồng); một số gói thầu tạm ứng nhưng không thi công trong thời gian dài do không GPMB được (chậm từ 8 tháng đến 12 tháng). Đây là tồn tại thuộc dạng “thả gà ra đuổi” ít gặp trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nếu chủ đầu tư chặt tay trong quản lý dự án.
“Đề nghị không quyết toán chi phí lãi vay vào chi phí dự án đối với các khoản tạm ứng vượt quy định, các khoản tạm ứng không thu hồi theo quy định”, Thanh tra Bộ GTVT kiến nghị.

Được biết, theo đánh giá của Bộ GTVT, những tồn tại trong thực hiện dự án đã nêu trong Kết luận thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư là Tổng công ty Xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu trực tiếp tham gia thực hiện Dự án. Nhà đầu tư cũng bị yêu cầu tiến hành giảm trừ 16,696 tỷ đồng khi quyết toán dự án hoàn thành.

“Ban PPP phải rà soát lại phương án tài chính nêu ở phần “Phương án tài chính trong Hợp đồng BOT” khi điều chỉnh Hợp đồng và chịu trách nhiệm về sự phù hợp của Phương án tài chính của dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.

Theo Báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến