Dòng sự kiện:
Saigonbank: Lợi nhuận tăng mạnh, vẫn còn đó những băn khoăn
15/04/2017 07:44:03
ANTT.VN – Lãi sau thuế gấp 3 lần năm trước đó, song Saigonbank vẫn còn nhiều điều để lo lắng cho giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trước mắt.

Tin liên quan

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank – SGB) vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán 2016.

2016 là năm chứng kiến sự phát triển bùng nổ của nhiều ngân hàng, song quy mô nhỏ (gần như là bé nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại với 90 chi nhánh, PGD trên cả nước) khiến Saigonbank không bắt kịp được xu thế.

Tổng tài sản tính tới cuối kỳ 2016 ở mức 19.048 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó dư nợ tín dụng tăng 8% từ 11.520 tỷ đồng lên 12.430 tỷ đồng. Đây là tốc độ mở rộng khá khiêm tốn so với mức tăng trưởng hai chữ số của nhiều nhà băng khác.

Bên kia bảng cân đối kế toán, số dư tiền gửi khách hàng cũng chỉ "nhích" nhẹ từ 13.142 tỷ đồng lên 14.169 tỷ đồng. Vốn điều lệ ổn định ở 3.080 tỷ đồng, suýt soát vốn pháp định (3.000 tỷ đồng).

Điểm sáng của Saigonbank trong năm qua là kết quả kinh doanh. Mặc dù các chỉ tiêu huy động hay tín dụng không tăng trưởng mạnh, song lợi nhuận sau thuế của nhà băng này vẫn tăng gấp hơn 3 lần lên 139,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những dấu hiệu thiếu bền vững cho chặng đường đầy thách thức phía trước của Saigonbank.

Lợi nhuận trong năm tăng lên phần lời nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh (từ 268 tỷ đồng về 136 tỷ đồng). Chi phí dự phòng giảm bởi Saigonbank chỉ trích lập thêm khoảng 40 tỷ đồng cho khoản dư nợ xấu 689 tỷ đồng bán cho VAMC tính tới cuối năm 2016, trong khi đó theo quy định hiện hành, một tổ chức tín dụng mỗi năm phải trích lập ít nhất 10% giá trị trái phiếu đặc biệt mua của VAMC.

Bên cạnh đó, nợ xấu (các nhóm 3,4,5) tại ngày 31/12/2016 ở mức 330 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,63%, “bật” mạnh so với 1,88% cùng kỳ 2015. Nợ xấu tăng ở cả 3 nhóm, trong đó nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất và chiếm tới 72,4% tổng nợ xấu của Saigonbank.

Ngoài ra còn có 421 tỷ đồng nợ quá hạn được xếp vào nhóm 2 (nợ cần chú ý). Nếu cộng 4 nhóm nợ 2,3,4,5 thì dư nợ quá hạn của Saigonbank tính tới cuối năm 2016 là 751 tỷ đồng, tương đương 6% tổng dư nợ tín dụng. Cho thấy những dấu hiệu thiếu chắc chắn trong chiến lược phát triển của ngân hàng này.

Nguồn lực nội tại hạn chế là một trong những nguyên nhân chính khiến Saigonbank bao năm qua vẫn “èo uột”. Sau những lần tăng vốn liên tiếp trong giai đoạn 2011-2012 để đạt đủ vốn pháp định, Saigonbank từ năm 2014 đã có kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng và sau đó là 4.080 tỷ đồng. Song cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù hạn chế về nguồn lực, tuy nhiên Saigonbank lại dành một lượng tiền không nhỏ mua sắm tài sản cố định, tính tới cuối năm 2016 là 959 tỷ đồng, gần bằng 1/3 vốn điều lệ, trong đó số dư tài sản cố định vô hình là 356,5 tỷ đồng, phần lớn ở dưới dạng quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ năm 2010 trở về trước, khi mà Luật các Tổ chức Tín dụng 2010 chưa được ban hành.

Việc xử lý khối tài sản vô hình này sao cho hiệu quả sẽ là dấu hỏi lớn đối với Chủ tịch HĐQT ông Trần Quốc Hải cùng các cộng sự. Bởi Luật các TCTD 2010 không cho phép ngân hàng kinh doanh bất động sản, nên giá trị quyền sử dụng đất “khổng lồ” lên tới 354,5 tỷ đồng chẳng còn cách nào khác phải để không, hoặc tận dụng làm trụ sở, chi nhánh.

Lương nhân viên tăng 20%

Tổng số cán bộ, công nhân viên của Saigonbank ổn định ở mức 1.483 người. Với việc quỹ lương thưởng tăng mạnh từ 174,7 tỷ đồng lên 209,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân của nhân viên Saigonbank trong năm 2016 tăng tới 20% lên 12 triệu đồng. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức thu nhập khá khiêm tốn, nếu không nói thuộc hàng thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần.

Minh Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến