Dòng sự kiện:
Samland mất toàn bộ thành quả tích lũy nhiều năm
16/02/2023 18:30:59
Các dự án trọng điểm chậm triển khai, hoạt động tài chính vốn là “cứu cánh” lợi nhuận trong nhiều năm trở thành gánh nặng khi chứng khoán lao dốc khiến Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) lỗ lớn hơn.

Đầu tư chứng khoán từ cứu cánh trở thành gánh nặng

Samland (công ty con của Công ty cổ phần SAM Holdings) tiếp tục ghi nhận lỗ lũy kế cả năm 2022 là 61,79 tỷ đồng so với năm 2021 lãi 5,96 tỷ đồng. Với việc ghi nhận lỗ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chuyển từ dương 29,4 tỷ đồng sang âm 32,4 tỷ đồng, chính thức xóa bỏ toàn bộ lãi kiếm được từ trước tới nay.

Được biết, Samland đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 21,56 tỷ đồng trong năm 2022, tạm lỗ 37,95% tổng danh mục đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, Công ty đã bán toàn bộ 16,77 tỷ đồng cổ phiếu TCB, 32,01 tỷ đồng cổ phiếu FPT và 8,9 tỷ đồng cổ phiếu MWG.

Danh mục còn lại là 31,99 tỷ đồng cổ phiếu HPG, trích lập dự phòng 11,87 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 37,1%; 22,96 tỷ đồng cổ phiếu SJS, trích lập dự phòng 9,34 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 40,7%; 1,9 tỷ đồng vào cổ phiếu SSI, trích lập dự phòng 0,34 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 17,9%.

Bên cạnh bán ra các cổ phiếu để cắt lỗ, việc trích lập dự phòng các cổ phiếu đang nắm giữ là 2 nguyên nhân chính dẫn tới chi phí tài chính năm 2022 của Samland tăng đột biến (tăng 11,8 lần, tương ứng tăng thêm 45,7 tỷ đồng, lên 49,56 tỷ đồng). Ngoài ra, mọi năm, doanh thu tài chính đến từ đầu tư tài chính, năm nay lại bị hụt (giảm 78,6%, tương ứng giảm 22,78 tỷ đồng, về 6,22 tỷ đồng), là nguyên nhân chính khiến Công ty báo lỗ kỷ lục 61,79 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2020, Samland ghi nhận lợi nhuận trước thuế 30,5 tỷ đồng, trong đó 15,4 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chiếm 50,5% tổng lợi nhuận. Năm 2021, Công ty tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trước thuế 7,08 tỷ đồng, chủ yếu đóng góp từ hoạt động tài chính 29 tỷ đồng (các hoạt động khác lỗ), bằng 4,1 lần lợi nhuận. Đầu tư chứng khoán là “cứu cánh” đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận Samland trong các năm này.

Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán lao dốc, ngay lập tức, danh mục đầu tư chứng khoán trở thành gánh nặng kéo lùi lợi nhuận của Samland. Dự báo, kết quả kinh doanh của Công ty sẽ còn chịu biến động bởi danh mục cổ phiếu đang nắm giữ nói riêng và của diễn biến thị trường chứng khoán nói chung.

Dự án trọng điểm chậm triển khai nhiều năm

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm 2022, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về việc chậm triển khai hàng loạt dự án trọng điểm.

Trong đó, Dự án Samland Riverside trễ 3 năm so với kế hoạch (dự kiến triển khai từ năm 2016 đến tháng 11/2019). Theo ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc SAM Holdings, 3 năm qua, nhiều dự án bất động sản liên quan tới đất công ở TP.HCM bị dừng lại, Công ty đang tìm giải pháp tháo gỡ và đến năm 2022, về cơ bản có khả năng hoàn thành các thủ tục pháp lý và có thể triển khai Dự án.

Thực tế, kết thúc năm tài chính 2022, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang của Samland Riverside tăng nhẹ 5,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 7,35 tỷ đồng, lên 133,72 tỷ đồng. Như vậy, Dự án có dấu hiệu chậm triển và chưa thể hoàn thành như cam kết trước đó.

Tương tự, với Dự án 55 ha tại Nhơn Trạch (dự kiến triển khai từ năm 2018 đến tháng 6/2025), Samland đã giải phóng được 75% tổng diện tích, đặt mục tiêu quý II/2022 đền bù xong 100% và có thể chọn thời điểm mở bán để tối ưu hóa lợi nhuận. Tính tới cuối năm 2022, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang Dự án tăng 23,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 97,9 tỷ đồng, lên 512,7 tỷ đồng và đối ứng người mua trả tiền trước không tăng, còn 1,7 tỷ đồng, giảm 10,6 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, không có dấu hiệu Dự án được mở bán trong năm 2022.

Có thể thấy, các “tài sản hiếm, có giá trị” như thông điệp được Ban lãnh đạo Samland phát đi đều chậm triển khai, không tạo được dòng tiền. Trong đó, Dự án Samland Riverside chậm tiến độ sẽ làm chôn vốn đầu tư, sản phẩm có nguy cơ lỗi thời. Việc chậm đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án 55 ha tại Nhơn Trạch có thể kéo theo chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tăng cao, giảm hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty.

Được biết, quỹ tiền mặt còn lại của Samland chỉ là 1,02 tỷ đồng, giảm 87,4 tỷ đồng so với đầu năm. Ngược lại, tổng nợ vay lên tới 359,97 tỷ đồng, bằng 31,1% tổng nguồn vốn và bằng 48% vốn chủ sở hữu, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn dưới 1 năm. Bên cạnh nợ 187,5 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Việt Á, Công ty có một lô trái phiếu trị giá 85,23 tỷ đồng, đáo hạn ngày 28/6/2023, trong đó tài sản đảm bảo là bất động sản tại Dự án Samland Riverside.

Như vậy, Samland sẽ gặp thách thức lớn trong năm 2023, khi các dự án trọng điểm vẫn chậm triển khai và thị trường bất động sản bước giai đoạn khó khăn kéo dài.

Tác giả: Duy Bắc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến