Dòng sự kiện:
Sẵn sàng tiếp vốn cho xuất khẩu gạo
17/10/2018 17:00:48
Việc NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng chủ động tăng cường cho vay xuất khẩu gạo chính là động lực để các DN gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng và tranh thủ các hình thức hỗ trợ thanh toán xuất khẩu.

Thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, mới đây NHNN đã ban hành Văn bản số 7378 yêu cầu các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của thương nhân đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo. Đồng thời đẩy mạnh cho vay các DN kinh doanh xuất khẩu gạo và cho vay đối với các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất lúa có liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với các DN.

Thống đốc NHNN mới có chỉ đạo các TCTD cho vay lúa gạo

Trong văn bản kể trên, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay kịp thời đối với các chủ thể trong chuỗi xuất khẩu gạo được quy định trong Nghị định 107. Trường hợp giá lúa gạo hàng hóa giảm quá thấp, không phù hợp với giá lúa gạo định hướng quy định trong Nghị định 107, các TCTD được phép áp dụng biện pháp cụ thể để điều tiết thị trường, góp phần hạn chế thiệt hại cho người sản xuất.

Những thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy rằng, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2018 dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung chiếm tỷ trọng khoảng 23% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế (tương đương khoảng 1,62 triệu tỷ đồng). Trong đó, riêng lĩnh vực kinh doanh lúa gạo, tính đến hết tháng 6/2018 các TCTD đã cho vay khoảng gần 51.600 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 10.200 tỷ đồng là cho vay đối với các DN kinh doanh xuất khẩu và khoảng 41.400 tỷ đồng là cho vay phục vụ thu mua, chế biến gạo tại các cơ sở và DN trên địa bàn cả nước.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tính đến hết tháng 9/2018 đạt 4,89 triệu tấn với tổng giá trị kim ngạch đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Với đà phát triển này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải dự báo, xuất khẩu gạo sẽ đạt giá trị 3,2-3,3 tỷ USD trong năm 2018. Như vậy, trong các tháng cuối năm, ngoài lượng gạo tồn kho có sẵn, các DN sẽ cần thêm nguồn vốn khá lớn để thu mua, chế biến trên 1 triệu tấn gạo phục vụ xuất mùa Tết và gối đầu các đơn hàng cho quý I/2019.

Ở góc độ DN, lãnh đạo một số DN xuất khẩu gạo bày tỏ, thị trường lúa gạo xuất khẩu đang có những khởi sắc nhất định, giá xuất khẩu tăng cao. Trong khi lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Vì vậy, nếu các DN xuất khẩu gạo tiếp tục được các NHTM mở rộng hạn mức cho vay thì khả năng tăng thêm lợi nhuận từ các hợp đồng xuất khẩu sẽ là con số khá lớn và có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng DN. Đặc biệt Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã cởi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh đối với các DN xuất khẩu gạo.

Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Nghị định 107/2018/NĐ-CP mang lại hiệu quả kép khi giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, giúp DN sẽ không mất nhiều thời gian đi lại, giảm thời gian và chi phí. Chưa kể, nghị định hướng cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đẩy mạnh công tác hậu kiểm dựa trên cơ sở khai báo của các DN. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước.

Chưa kể, trước đây, Nghị định 109 chỉ xoay quanh 150 DN xuất khẩu gạo, tuy nhiên Nghị định 107 mở rộng tất cả các đối tượng DN và sẽ tham gia vào các phân khúc, các chủng loại gạo khác nhau, việc này sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn và là động lực cho DN tự nâng cao sức cạnh tranh của mình, chinh phục nhu cầu người tiêu dùng.

Bởi đến thời điểm này, sau khi Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung về mặt pháp lý cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đa số các DN còn trụ lại trên thị trường đều đã chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, chú trọng vào các liên kết hợp tác với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng lớn và mở rộng các thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư các cánh đồng lúa lớn và nguồn vốn để chủ động tạm ứng hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân trong chuỗi liên kết vẫn là nút thắt mà các DN phải đau đầu xoay sở.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết hiện đa số các DN xuất khẩu gạo trong nước đã trở nên chuyên nghiệp hơn, đáp ứng được các đơn hàng lớn và chủ động phát triển nhiều thị trường tiêu thụ mới. Chính vì vậy, việc NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng chủ động tăng cường cho vay xuất khẩu gạo thời điểm này chính là động lực để các DN gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng và tranh thủ các hình thức hỗ trợ thanh toán xuất khẩu. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, các NHTM vẫn có thể cho vay ngoại tệ đối với các DN để phục vụ thu mua nông sản chế biến xuất khẩu. Do vậy, nếu ngành Ngân hàng ở các địa phương tích cực thực hiện những chỉ đạo của NHNN thì sẽ là cơ hội lớn để kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2018 sẽ có thể đạt và vượt mức 3,3 tỷ USD vào thời điểm cuối năm.

Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến