Dòng sự kiện:
Sàn trái phiếu riêng lẻ giao dịch đìu hiu, chuyên gia nói gì?
24/07/2023 19:20:46
Sau phiên giao dịch bùng nổ đầu tiên, các phiên giao dịch gần đây của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ khá đìu hiu, một phần do lượng “hàng hóa” tham gia thị trường chưa nhiều.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi từ đáy.

Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ kích thích cầu phục hồi

Sự ra đời của sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp (ngày 19/7/2023) là điểm nhấn đáng chú ý nhất của thị trường trái phiếu từ đầu năm đến nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích SSI, đây là một khởi đầu tốt, nhưng chỉ khi giữ được quy mô thanh khoản tốt, với nhiều mã trái phiếu được giao dịch… thì mới là điều cốt lõi cho việc có thể duy trì được lợi ích vốn có của một sàn giao dịch thứ cấp đối với thị trường nói chung.

Trong 4 phiên giao dịch vừa qua, ngoài phiên giao dịch bùng nổ đầu tiên thì các phiên giao dịch sau có khối lượng và giá trị giao dịch khá đìu hiu. Tổng giá trị phiên giao dịch hôm nay chỉ vỏn vẹn 41 triệu đồng.

Theo ước tính của SSI, sẽ có tổng cộng 733.000 tỷ đồng trái phiếu hoặc 455 tổ chức phát hành phải đăng ký ở HNX trong vòng ba tháng. Đến nay, mới chỉ có 19 mã phát hành từ Tracodi, Vietcombank và Vinfast đã được đăng ký, với tổng giá trị là 9.000 tỷ đồng.

Dù lượng hàng hóa và giá trị giao dịch trên sàn trái phiếu riêng lẻ còn khiêm tốn, song theo các chuyên gia phân tích, lợi ích của sàn giao dịch thứ cấp này là rất lớn.

Đầu tiên, sự vận hành của sàn này sẽ tăng sự minh bạch cho thị trường.

Thứ hai, mục tiêu chính của sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp là cung cấp thanh khoản cho các nhà đầu tư. Chỉ khi giữ được quy mô thanh khoản tốt, với nhiều mã trái phiếu được giao dịch… thì mới là điều cốt lõi cho việc có thể duy trì được lợi ích vốn có của một sàn giao dịch thứ cấp đối với thị trường nói chung.

Thứ ba, trong một thị trường hiệu quả, các giao dịch của người mua và người bán trên thị trường thứ cấp sẽ quyết định xu hướng của lợi suất trái phiếu doanh nghiệp và đó sẽ là những chỉ báo mang tính định hướng để xác định các rủi ro về sức khỏe tài chính của nhà phát hành hay các biến động vĩ mô trên thị trường.

“Với tất cả những lợi ích trên, chúng tôi đánh giá việc xuất hiện của sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ giúp nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi, trước hết là từ các nhà đầu tư tổ chức với nguồn vốn dồi dào và nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư”, chuyên gia phân tích SSI Research nhận định.

Cần thêm giải pháp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cá nhân

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, có lẽ còn nhiều việc phải làm để khôi phục lại niềm tin và tâm lý đầu tư. Điểm hỗ trợ cho thị trường này là môi trường lãi suất hiện tại đang có xu hướng giảm sẽ phần nào cải thiện nhu cầu đối với trái phiếu doanh nghiệp. Dù vậy, để khôi phục niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vẫn cần thêm nhiều giải pháp.

Thứ nhất, trong ngắn hạn, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thêm các giải pháp để giải quyết các vấn đề đang tồn tại, chẳng hạn như xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khả năng thanh toán do Bộ Tài chính đánh giá hoặc ban hành các nghị định, thông tư đối với những vấn đề Thông tư 02 chưa quy định cho trái phiếu doanh nghiệp; hoặc sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP để rút ngắn quy trình phê duyệt phát hành ra công chúng.

"Chúng tôi tin rằng, việc nhanh chóng đưa ra danh sách xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khả năng thanh toán sẽ là một cách tiếp cận hợp lý nhằm phân loại các tổ chức phát hành theo rủi ro và từ đó có các cách hỗ trợ khác nhau", chuyên gia phân tích SSI Research nhận định.

Thứ hai, để khôi phục nhu cầu trái phiếu và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân, việc định hình lại cấu trúc thị trường, giảm thiểu tỷ lệ tham gia trực tiếp của các nhà đâu tư cá nhân sẽ cần được xem xét. Trong đó các bên tổ chức trung gian (ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ trái phiếu) sẽ cần tuân thủ các tiêu chuẩn và trách nhiệm cao hơn phân phối. Việc điều phối dòng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân sang một kênh bảo vệ và chuyên nghiệp hơn, thay vì chỉ dựa vào một kênh phân phối đơn giản và trực tiếp như hiện tại.

Cuối cùng, cần ban hành thêm các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện khuôn khổ về việc xử lý tài sản đảm bảo và các quy đinh về công bố vỡ nợ, cũng như các biện pháp xử lý tiếp theo.

Nửa đầu năm nay, phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp có dấu hiệu hồi phục, bắt đầu từ quý II/2023. Quy mô trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm 2023 là 57.300 tỷ đồng, giảm 67,8% so với cùng kỳ trong khi phát hành ra công chúng chỉ đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, giảm 37,9% so với cùng kỳ.

Điều đáng chú ý là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (57%) trên thị trường sơ cấp, nhưng chỉ tập trung vào một số tổ chức phát hành. Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành từ quý II/2023 và chiếm 31% tổng lượng phát hành do đã giải quyết được các vướng mắc về báo cáo kiểm toán giải ngân nguồn vốn trái phiếu.

Tác giả: Thùy Liên

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến