Tại hội trường, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ giải trình ý kiến các đại biểu về dự án này.
Liên quan đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 11/11, bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần hết sức thận trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư vào dự án. Các đại biếu cho biết, trong sáng 12/11, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về một số chỉ tiêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án này.
Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về hạn mức đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng, còn lại giao cho Chính phủ quyền quyết định chọn nhà đầu tư theo hướng khai thác hiệu quả và không ảnh hưởng đến nợ công của quốc gia.
Điều quan trọng trong cuộc họp này là các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh diện tích đất dành cho quốc phòng, diện tích đất dành cho khu vực dân dụng cũng như bổ sung thêm 2 tuyến đường kết nối để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng tiến độ.
Phối cảnh kiến trúc sân bay Long Thành. Nguồn ảnh: ACV
Trước đó, ngày 24/10, báo cáo về dự án trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ gồm một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và các hạng mục phụ trợ khác.
Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, gồm công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (khoảng 111.000 tỷ đồng). Các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh diện tích đất xây sân bay giai đoạn 1 thêm 645 ha, từ 1.165 lên 1.810 ha; điều chỉnh 1.050 ha đất quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung quốc phòng và dân dụng. Cùng đó, bổ sung hai tuyến đường bộ vào dự án sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, thẩm tra sau đó, ông Vũ Hồng Thanh (Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế) nhận xét báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá tác động cụ thể đến nợ công nếu vay ODA, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn doanh nghiệp Nhà nước để làm dự án này.
Ông Thanh phân tích, trong gần 4,2 tỷ USD vốn của ACV rót vào dự án, dự kiến doanh nghiệp phải vay gần 2,63 tỷ USD. Theo Luật Quản lý nợ công, dự án này thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh nên sẽ được tính vào nợ công.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc khả năng huy động vốn của ACV và năng lực tài chính của AVTM.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ly Na (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy