Sẽ sơ tuyển nhà đầu tư
Cho đến thời điểm này, đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo hình thức PPP thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án thành phần đầu tư mới nhất đã được đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư trình Báo cáo nghiên cứu khả thi lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Các dự án đầu tư xây dựng cao tốc phải lựa chọn những nhà thầu có năng lực về tài chính và kinh nghiệm trong đầu tư. Ảnh: Lê Toàn
Đại diện Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP - Bộ GTVT) cho biết, đơn vị này đã nhận được 8/8 báo cáo nghiên cứu khả thi của 8 dự án thành phần Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư theo hình thức PPP và đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, đây là tiền đề quan trọng để Bộ GTVT tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án đủ điều kiện theo luật định.
Cần phải nói thêm rằng, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/2018/NQ-CP về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, những nguyên tắc cơ bản cho việc lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng mức đầu tư lên tới 104.079 tỷ đồng đã dần được lộ diện.
Theo đó, thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình được chọn làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP, đây là cơ chế hoàn toàn mới so với quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án BOT thời gian qua. Cụ thể, trước đây, các quy định của pháp luật cho phép dự án BOT được tiến hành đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 20 và Nghị định 63/2018/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức PPP được ban hành đầu tháng 5/2018, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được thực hiện theo hướng bài bản và chặt chẽ hơn.
Lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam được ấn định là 11,77%/năm
“Các dự án sau khi được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở tính toán phương án tài chính rồi mới tiến hành đấu thầu. Việc này cũng giống như đấu thầu xây lắp để lựa chọn nhà thầu. Sau khi trúng thầu, nhà đầu tư được quyền thay đổi, điều chỉnh giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, áp dụng công nghệ mới và được hưởng hoặc chịu chi phí chênh lệch, tức là lời ăn lỗ chịu”, ông Huy nói Theo ông, Bộ GTVT chỉ giám sát nội dung thay đổi giải pháp kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.
Về quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ông Huy cho biết, sau khi các dự án được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ tuyển để loại bỏ nhà đầu tư yếu kém. Sau đó, mới tổ chức đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo tính công khai, minh bạch nhằm lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng năng lực thực hiện dự án.
“Các dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam là những dự án quan trọng, vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, nên các nhà đầu tư được lựa chọn trong hồ sơ mời thầu phải đáp ứng được năng lực về tài chính, kinh nghiệm trong đầu tư và kinh nghiệm thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông”, ông Huy nói và cho biết, giá đấu thầu dựa vào tổng mức đầu tư theo thiết kế kỹ thuật và dự toán.
Nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu
Một trong những cơ chế mới sẽ được triển khai tại 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tỷ lệ vốn chủ sở hữu đã được nới thêm 5% so với quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Danh Huy cho biết, Nghị định số 15/2015/NĐ - CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP quy định: tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án BOT. Trong thời gian qua, một số ngân hàng đã thường yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư. Về bản chất, việc nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng cao sẽ đảm bảo dự án càng khả thi về huy động vốn tín dụng, nhưng sẽ dẫn đến tăng chi phí vốn đầu tư do tỷ suất lợi nhuận đối với vốn chủ sở hữu thường cao hơn lãi vay ngân hàng.
Liên quan đến mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, Bộ GTVT xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 11,77%/năm khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư; mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư xác định thông qua đấu thầu.
Hiện đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT Bộ GTVT đã triển khai, mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dao động từ 11,5÷14%; trung bình ở 67 dự án BOT đường bộ đã triển khai, lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 11,77%.
“Nhà đầu tư mong muốn lợi nhuận cao, nhưng lợi nhuận được đưa ra là mức phù hợp quy định pháp luật hiện nay. Nếu lợi nhuận quá thấp thì chắc chắn nhà đầu tư không tham gia dự án, nhưng cũng có thể nhà đầu tư bỏ thầu với mức lợi nhuận thấp hơn dự tính. Chúng ta chưa đấu thầu nên chưa thể đánh giá cao hay thấp được”, ông Huy cho biết.
Hiện 8 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP đều có phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện. Việc Nghị quyết số 20 quy định cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sử dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước để đánh giá hồ sơ dự thầu được coi là phương phù hợp và có tính khả thi cao. Đồng thời, việc tổ chức đấu thầu rộng rãi nhà đầu tư trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và dự toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là cơ bản đủ chính xác.
Theo ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, công tác quyết toán công trình BOT sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng theo Nghị định số 15 đang được thực hiện tương tự như dự án sử dụng vốn nhà nước. Quy định này làm giảm ý nghĩa của việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì bản chất dự án BOT là lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng vận hành dự án trong suốt vòng đời 20 - 30 năm, hoàn toàn khác với dự án sử dụng vốn nhà nước - lựa chọn nhà thầu để thi công công trình.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, giá công trình BOT là trọn gói và không quyết toán chi phí xây dựng. Nhà nước chỉ kiểm soát qua bộ chỉ số yêu cầu về chất lượng công trình/dịch vụ được quy định tại hợp đồng dự án. Luật PPP tại các nước cũng không hề có quy định về “quyết toán”, mà chỉ quy định về nghiệm thu công trình”, ông Khôi cho biết.
Điểm mới về đầu tư BOT đường cao tốc Bắc- Nam so với các dự án BOT giao thông trước đây: Toàn bộ các dự án đều đầu tư các tuyến đường mới hoàn toàn Thu phí kín, đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu Nhà đầu tư phải có 20% vốn chủ sở hữu, cao hơn mức 15% hiện nay Sau sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mà nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, để triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Toàn bộ các dự án đều đấu thầu chọn nhà đầu tư, không chỉ định thầu. Bộ GTVT phê duyệt báo cáo khả thi, lập kế kỹ thuật, đưa ra dự toán rồi thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư trúng thầu chấp nhận lời ăn, lỗ chịu trong quá trình thi công, khai thác, Nhà nước kiểm soát chất lượng công trình. |
Theo Báo đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy