Dòng sự kiện:
Sắt thép nhập khẩu đổ bộ, 5 tháng 'ngốn' 7,8 tỷ USD
24/06/2024 10:17:43
5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã chi 7,48 tỷ USD đẻ nhập khẩu sắt thép các loại, tăng 26,3%, tương ứng tăng 1,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023 và xấp xỉ với mức nhập khẩu của 5 tháng/2022.

5 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 7,48 tỷ USD nhập sắt thép, trong đó 4,8 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 5 đạt 1,72 tỷ USD, tăng 14,9% tương ứng tăng 223 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại là 1,13 triệu USD tăng 17,9% với sàn lượng 1,55 triệu tấn, tăng 20,6% so với tháng trước.

Luỹ kế 5 tháng năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 7,48 tỷ USD sắt thép các loại, tăng 26,3%, tương ứng tăng 1,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023 và xấp xỉ với mức nhập khẩu của 5 tháng/2022.

Trong đó, lượng nhập khẩu sắt thép các loại là 6,92 triệu tấn, tăng 50,15 với trị giá là 5,02 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại từ các thị trường chính: Trung Quốc đạt 4,77 tỷ USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 735 triệu USD, tăng 4,6%so với cùng kỳ năm 2023.

Lượng thép nhập khẩu lớn đổ bộ, nhất là thép có xuất xứ từ Trung Quốc đang gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất trong nước.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023, nhưng sự phục hồi này không chắc chắn, doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa.

Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Với Việt Nam, nhập thép từ Trung Quốc gần đã lên tới xấp xỉ 4,8 tỷ USD trong tổng trị giá nhập khẩu 7,48 tỷ USD trong 5 tháng.

Tình trạng “cung vượt cầu” của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩ, theo VSA đã làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn.

Ngoài ra, thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng…cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.

Trong động thái bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự đổ bộ của hàng nhập khẩu, ngày 14/6/2024, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cũng trong ngày 14/6/2024, Bộ Công thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, Bộ Công thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Tác giả: Thế Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến