Dòng sự kiện:
Sau 4 lần tăng liên tiếp, giá xăng đón tín hiệu giảm mạnh
20/08/2023 13:15:47
Giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (21/8) được dự báo giảm sau 4 lần tăng liên tiếp. Giá xăng có thể giảm 500-900 đồng/lít, giá dầu diesel có khả năng giảm 400-600 đồng/lít.

Ngày mai (21/8), liên Bộ Công Thương - Tài chính tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày một lần.

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tuần này ghi nhận tuần giảm giá đầu tiên sau 7 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu suy yếu do lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và sự mạnh lên của đồng USD.

Tính chung trong cả tuần qua, giá dầu Brent và dầu WTI đều giảm gần 3%. Giá dầu WTI kết tuần ở mức 81,25 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent là 84,8 USD/thùng.

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho hay, do giá dầu thế giới gần đây giảm nên giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai sẽ giảm theo.

Theo dự báo, trong kỳ điều hành ngày mai, giá xăng trong nước rất có thể giảm khoảng 500-900 đồng/lít, dầu diesel cũng có khả năng giảm 400-600 đồng/lít.

Trong trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng trong nước vào ngày mai có thể giảm ít hơn.

Nếu dự báo trên là chính xác thì giá xăng trong nước vào ngày mai sẽ có lần giảm đầu tiên sau 4 phiên tăng giá liên tiếp.

Giá xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh từ đầu năm đến nay, trong đó có 13 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Ở kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/8), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, giá xăng E5 tăng 30 đồng/lít, giá bán là 22.820 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 30 đồng/lít, giá bán lên mức 23.990 đồng/lít.

Giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.810 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.610 đồng/lít, giá lên mức 21.880 đồng/lít.

Cũng tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá với hầu hết mặt hàng xăng dầu.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết tháng 7, Quỹ bình ổn xăng dầu trong nước dư hơn 7.438 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ quý I/2021.

Mới đây, trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính, cử tri cho rằng cần giảm bớt một số loại thuế, phí trong giá xăng dầu nhằm giữ cho hàng hóa này được ổn định, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân. Theo cử tri, nhiều loại thuế phí chiếm tỷ lệ cao là một phần lý do khiến giá xăng dầu vẫn cao dù đã có các biện pháp kéo giảm.

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng trên thực tế, tỷ trọng thuế phí trong giá xăng dầu thấp hơn nhiều nước. Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu nhiều nước lên tới 45-60%, trong khi ở Việt Nam là 10-21%. Giá bán xăng dầu tại Việt Nam cũng đang thấp hơn các nước có chung đường biên giới.

Về tình hình cung ứng xăng dầu, theo Bộ Tài chính, hai nhà máy lọc dầu trong nước - là Dung Quất và Nghi Sơn - chiếm khoảng 70% nguồn cung xăng dầu nội địa - đã sản xuất lần lượt trên 3,79 triệu tấn và 4,32 triệu tấn xăng dầu các loại.

Từ 25/8, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng khoảng 35% sản lượng xăng dầu cả nước, dừng sản xuất 55 ngày để lần đầu bảo dưỡng sau gần 5 năm.

Tác giả: Mai Anh
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến