Hoạt động kinh doanh cốt lõi lỗ 75,82 tỷ đồng trong quý II/2022
Trong quý II/2022, Saigontel ghi nhận doanh thu đạt 165,38 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 60,42 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 15,41 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 75,83 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 59,4% về chỉ còn 13,6%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 51,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 24,22 tỷ đồng về 22,55 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 266,3%, tương ứng tăng thêm 13,45 tỷ đồng lên 18,5 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 430,2%, tương ứng tăng thêm 61,04 tỷ đồng lên 75,23 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 225%, tương ứng tăng thêm 4,05 tỷ đồng lên 5,85 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 4,1%, tương ứng tăng thêm 0,91 tỷ đồng lên 23,14 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Saigontel ghi nhận lỗ 75,82 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 10,35 tỷ đồng, tức giảm 86,17 tỷ đồng.
Như vậy, trong kỳ hoạt động cốt lõi âm, Công ty giảm lỗ nhờ doanh thu tài chính, lãi công ty liên doanh và liên kết.
Được biết, Saigontel ghi nhận lỗ quý gần nhất là quý IV/2019 với giá trị lỗ 14,81 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 quý có lãi liên tiếp, Công ty bất ngờ báo lỗ trong quý II/2022.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Saigontel ghi nhận doanh thu đạt 576,04 tỷ đồng, tăng 261,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 128,83 tỷ đồng, tăng 480,6% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Saigontel đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 251,86% và 253,98% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 156,65 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 52,2% so với kế hoạch năm.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Saigontel tăng 6,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 286,1 tỷ đồng lên 4.702,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản đầu tư tài chính dài hạn đạt 1.852,4 tỷ đồng, chiếm 39,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.329 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng tài sản; tồn kho đạt 773,6 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, tồn kho tăng 21,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 138,8 tỷ đồng lên 773,6 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 4,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 62,6 tỷ đồng lên 1.329 tỷ đồng…
Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 84,5 tỷ đồng lên 2.184,7 tỷ đồng và chiếm 46,5% tổng tài sản. Trong đó, Công ty tăng nợ vay ngắn hạn thêm 554,4 tỷ đồng lên 1.464,1 tỷ đồng và giảm nợ vay dài hạn 469,9 tỷ đồng về 720,6 tỷ đồng.
Saigontel có nhiều giao dịch với bên liên quan là CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng (Nguồn: BCTC).
Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, Saigontel có nhiều giao dịch với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng. Trong đó, 20 tỷ đồng cho vay tiền; 63,8 tỷ đồng phải thu liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư; 2,36 tỷ đồng lãi cho vay…
Theo tìm hiểu, tính tới cuối năm 2021, Saigontel có 5 cổ đông lớn gồm ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Saigontel và Kinh Bắc (mã KBC) sở hữu 23,69% vốn điều lệ; Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC – sàn HoSE) sở hữu 21,48% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Kim Xuân sở hữu 10,07% vốn điều lệ; bà Đặng Thị Hoàng Phượng (em gái ông Đặng Thành Tâm) sở hữu 9,88% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Sài Gòn sở hữu 7,2% vốn điều lệ; và còn lại 24,68% thuộc sở hữu của nhóm cổ đông khác.
Như vậy, Saigontel, Kinh Bắc và CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng đều có mối liên hệ với nhau liên quan tới trực tiếp sở hữu hoặc ông Đặng Thành Tâm.
Kinh Bắc báo lãi đột biến quý II nhờ đánh giá tăng sở hữu tại CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng
Ở một diễn biến khác liên quan công ty của ông Đặng Thành Tâm, trong quý II/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 395,28 tỷ đồng, giảm 47,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.933,66 tỷ đồng, tăng 23,84 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 59,9% về còn 50%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 56% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 251,3 tỷ đồng về 197,54 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 176%, tương ứng tăng thêm 57,57 tỷ đồng lên 90,28 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 21,6%, tương ứng tăng thêm 28,29 tỷ đồng lên 159,46 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 27,8%, tương ứng giảm 37,46 tỷ đồng về 97,2 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 787,3%, tương ứng tăng thêm 1.697,59 tỷ đồng lên 1.913,22 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Thực tế, lợi nhuận của Công ty trong quý II tăng đột biến chủ yếu do ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.
Công ty thuyết minh thu nhập khác tăng đột biến chủ yếu ghi nhận 2.397,4 tỷ đồng (cùng kỳ 1,14 tỷ đồng) chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá trị hợp nhất kinh doanh, thu nhập khác này được phát sinh khi công ty tăng sở hữu lên 48% vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 30/6/2022 (ngày kết thúc báo cáo quý II), Kinh Bắc đã mua 5,7 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% lên 48% vốn điều lệ, sau giao dịch Kinh Bắc sẽ chuyển công ty CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng thành công ty liên kết. Được biết, thời điểm 31/3/2022, Kinh Bắc chỉ ghi đầu tư 39 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng và ghi nhận góp vốn vào đơn vị khác.
Theo giới thiệu, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) được thành lập vào ngày 03/08/2005, là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) – một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao và dẫn đầu về thành tích thu hút FDI tại Việt Nam.
Trên website Công ty, đơn vị này ghi nhận đang là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây (Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích 657,78 ha, trong đó diện tích đất thương phẩm KCN là 135,68 ha; diện tích đất thương phẩm của khu phi thuế quan là 350,43 ha.
Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (Đà Nẵng) với tổng diện tích 132,6 ha.
Khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng diện tích 289,35 ha. Trong đó, có 205,16 ha đất đã được quy hoạch.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.086,9 tỷ đồng, giảm 60,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.456,7 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành được 54,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8, cổ phiếu SGT giảm 1.000 đồng về 26.900 đồng/cổ phiếu.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy