Do không đủ lượng cổ đông đại diện số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, CEO Group đã không thể tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
Ngày 30/6, Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Theo công bố tại thời điểm chốt danh sách, doanh nghiệp này có gần 44.000 cổ đông đại diện cho hơn 257 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, cao hơn con số khoảng 42.700 cổ đông vào năm ngoái.
Tuy nhiên, do số lượng cổ đông tham dự chỉ chiếm 35,42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, dẫn tới phiên họp không đủ điều kiện để tiến hành.
Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình sau đó đã gửi lời xin lỗi cổ đông và cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử đại hội thường niên của CEO Group tổ chức bất thành.
Theo kế hoạch, tại phiên họp cổ đông năm nay, ban lãnh đạo CEO sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022, và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 315 tỷ đồng, tăng 2%.
Dự án Sonasea Vân Đồn tại Quảng Ninh do CEO làm chủ đầu tư. Ảnh: CEO Group.
Theo lãnh đạo tập đoàn, 2 lĩnh vực trụ cột chính của CEO là bất động sản và du lịch được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng niềm tin trên thị trường và dòng tiền gần như bằng 0, lãi suất cao trong khi chi phí đầu vào như chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công đều tăng.
Trong khi đó, mảng du lịch khó quay trở lại thời điểm trước dịch. Thói quen tiêu dùng, nghỉ dưỡng của người dân thay đổi. Dịch Covid-19 và biến động chính trị cũng khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam không đáng kể.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của CEO, ngày 29/6 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho công ty tiến hành tăng vốn theo kế hoạch đã thông qua năm 2022. Trong đó, CEO dự kiến phát hành gần 5,15 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và hơn 252 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của CEO Group dự kiến tăng từ 2.573 tỷ đồng lên gần 5.147 tỷ đồng.
Chủ tịch CEO Đoàn Văn Bình cho biết vốn điều lệ của tập đoàn nhiều năm nay ở mức rất thấp trong khi hơn 70 công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đều có vốn điều lệ trung bình khoảng 4.000 tỷ đồng. Do đó, việc tăng vốn được cân nhắc kỹ để nâng cao năng lực tài chính của tập đoàn, phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh sắp tới.
Năm nay, CEO Group dự kiến tập trung triển khai các dự án trọng điểm gồm Sonasea Vân Đồn Harbor City (Quảng Ninh); CEOHomes Hana Garden (Hà Nội); Sonasea Residences (Phú Quốc) và hoàn hoàn thiện thủ tục tại các dự án khác để chuẩn bị thi công, kinh doanh khi thị trường thuận lợi. Trong đó, khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City dự kiến đưa vào hoạt động từ cuối năm nay.
CEO và DIG từng là 2 mã chứng khoán gây "sốt" trên thị trường trước khi giảm sâu. Ảnh: DNSE.
Cách đây vài ngày, một doanh nghiệp bất động sản lớn khác là Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cũng không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 do chỉ có 555 cổ đông, đại diện cho 36,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, có mặt. Trong khi đó, tổng số cổ đông có quyền tham dự sự kiện theo danh sách lên tới 64.907 cổ đông, tương ứng 609,8 triệu cổ phần có quyền biểu quyết.
Trước đó, lãnh đạo doanh nghiệp này đã có thư gửi cổ đông nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham dự phiên họp.
CEO và DIG là 2 doanh nghiệp bất động sản từng thu hút đông đảo nhà đầu tư rót tiền. Trong giai đoạn từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, 2 mã chứng khoán này đã ghi nhận chuỗi tăng thị giá gấp 10 lần.
Tuy nhiên, những bất ổn của thị trường kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay khiến 2 cổ phiếu này giảm sâu, có thời điểm quay về thị giá ban đầu của chu kỳ tăng trước đó. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, mã CEO và DIG tạm dừng lần lượt ở mốc 23.800 đồng/cổ phiếu và 21.050 đồng/cổ phiếu.
Tác giả: Minh Khánh