Ảnh minh họa.
Đua nhau "thủng đáy"
Trong năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có 4 đợt nâng lãi suất với mỗi lần tăng 0,25%. Kể từ tháng 7 đến nay, Fed liên tục giữ nguyên lãi suất, tuy vậy, mức lãi suất vẫn neo ở phạm vi 5,25% - 5,5%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất lên 3,75%, mức cao nhất trong vòng 23 năm qua và là lần thứ 9 liên tiếp trong vòng 1 năm. Ngân hàng Trung ương Anh cũng nâng lãi suất lên 5,25%/năm, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Việt Nam, trái lại, một mình một hướng về chính sách tiền tệ trong năm 2023. Khi các ngân hàng trung ương trên thế giới rủ nhau tăng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại đi theo chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), ngay từ quý I/2023, Việt Nam đã chuyển dịch chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn". NHNN đã thực hiện 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành với tổng mức cắt giảm 150 điểm cơ bản, đưa lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn xuống lần lượt là 3% và 4.5%; trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức 4.75%.
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giảm mạnh từ 200 – 300 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn. Đến cuối năm 2023, hầu hết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại giảm xuống còn 5%, giảm thêm 0,3 điểm % so với cuối tháng 10 và khoảng 2,8% điểm so với cuối năm 2022.
Tính đến ngày 22/12, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1- 3 tháng được các ngân hàng đưa về mức 2,4 – 4,25%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 3,7 – 5,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3,8 – 5,6%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động liên tục “thủng đáy” nhưng dòng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh. Theo thống kê mới nhất của NHNN, tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế trong 9 tháng năm 2023 đạt xấp xỉ 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 5,9% so với cuối năm 2022.
Mặt bằng lãi suất huy động giảm, dòng tiền đổ về ngân hàng nhiều đã kéo lãi suất cho vay giảm theo. Các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay bình quân từ 2 - 2,5%/năm so với đầu năm. Hiện lãi suất bình quân đối với những khoản cho vay ngắn hạn là 5,5 - 7%/năm; cho vay trung, dài hạn từ 8,5 - 10%/năm (với các khoản cho vay mới), giảm từ 1 - 2%.
Lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều chạm đáy trong cuối năm 2023.
Thậm chí, tính từ đầu năm đến nay, Agribank đã có 7 lần giảm lãi suất cho vay. Trong đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1,3 – 4%/năm và sàn lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm từ 0,3 - 1,5%/năm. Đại diện Agribank cũng khẳng định “chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này”.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cũng vừa triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% dành cho tháng đầu tiên đối với khách hàng cá nhân vay mới, khách hàng cá nhân hiện hữu muốn vay thêm và doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với mục đích chi lương, thưởng dịp cuối năm.
Thế nhưng trái với kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng năm nay khó đạt được mục tiêu đề ra. NHNN đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 – 15% trong đầu năm 2023 và điều chỉnh tăng lên 14,5% vào tháng 7. Tuy vậy, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022 và còn cách khá xa so với mục tiêu đề ra.
Lãi suất năm 2024 sẽ đi về đâu?
Dựa trên tình hình hiện tại, Công ty chứng khoán VnDirect nhận định, lãi suất huy động sẽ có xu hướng tiếp tục giảm trong năm 2024. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp, khoảng 5,0%/năm từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024.
Lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng tới nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây”, các chuyên gia của VnDirect dự báo.
VIS Rating cũng nhận định lãi suất huy động sẽ vẫn ở mức thấp vào năm 2024, thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn, giảm chi phí huy động vốn và giảm bớt gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp và tổ chức phát hành trái phiếu.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1 - 1,5 điểm % trong năm 2024. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng được dự báo sẽ khiến các nhà băng có xu hướng thận trọng hơn trong việc cho vay. Do vậy, VCBS cho rằng sẽ có sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay.
Ở chiều ngược lại, công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lãi suất huy động khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 – 50 điểm cơ bản, quay về mức 5.25% - 5.5% trong năm 2024 khi áp lực tỷ giá không còn lớn.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất huy động hiện đã chạm đáy và có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp như mức cuối năm 2023 trong năm tới. Ngoài ra, “lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh hơn so với lãi suất huy động” khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn, độ rủi ro của nền kinh tế thấp hơn, ông nói.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy