Dòng sự kiện:
Sau nhiều lùm xùm, 'cặp bài trùng' Văn Phú – Hải Phát vẫn 'bắt tay' làm BT
05/06/2018 06:00:16
Văn Phú Invest (mã VPI)- Hải Phát Invest, "bộ đôi" không chỉ nắm giữ hàng loạt dự án nhà ở “đình đám” trên các khu đất đắc địa ở Thủ đô mà còn sát cánh ở một số dự án BT tiêu điểm với vai trò liên danh chủ đầu tư.

Khoảng 7 năm trước đây, Hải Phát và Văn Phú Invest chỉ là “hạng xoàng” so với những HUD, Vinaconex hay Licogi. Thế nhưng, những năm trở lại đây, nhiều dự án BT giao thông, hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại Hà Nội được trao vào tay 2 doanh nghiệp này. 

Có thể nhận ra, 2 ông lớn nêu trên có khá nhiều điểm tương đồng. Rõ nhất, là lượng dự án (diện tích đất) trải dài tại địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác sở hữu (toàn bộ/một phần) bằng con đường BT hoặc M&A.

Trong một động thái mới nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc góp vốn thành lập và cử người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp tại Công ty TNHH BT Hà Đông.

Theo đó, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát quyết nghị thành lập Công ty TNHH BT Hà Đông, trụ sở chính tại số 12 Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Vốn điều lệ 350 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, gồm: Xây dựng kỹ thuật hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; San lấp mặt bằng hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị, công trình công cộng, khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Thi công các công trình điện hạ áp dưới 35KV; Thi công xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, trang trí nội, ngoại thất…

Theo nghị quyết này, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát sẽ góp 175 tỷ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ của Công ty TNHH BT Hà Đông. 175 tỷ đồng còn lại sẽ do Công ty cổ phần Đầu tư Vãn Phú - Invest góp và cũng chiếm 50% vốn điều lệ.

Để quản lý hiệu quả vốn góp của công ty, Hải Phát cử ông Đỗ Quý Hải và Lê Việt Dũng đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp tại Công ty TNHH BT Hà Đông. Đồng thời, giao cho ông Đỗ Quý Hải giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty.

Trong một diễn biến liên quan, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest cũng vừa công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc góp vốn thành lập Công ty TNHH BT Hà Đông.

Theo tìm hiểu, mục đích của Hải Phát và Văn Phú khi “bắt tay” nhằm triển khai thực hiện dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và các dự án đổi ứng thu hồi vốn dự án BT.

Được biết, đề xuất dự án xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1581/QĐ-UBND ngày 07/4/2010.

Những công đoạn thủ tục thực hiện dự án trong giai đoạn này được Hà Nội triển khai khá nhanh, ngay ngày 7/4/2010 UBND TP. Hà Nội đã quyết định chấp thuận đề xuất dự án của liên danh Công ty CPĐT Văn Phú - Invest và Công ty CPĐT Hải Phát. Việc này TP. Hà Nội cũng có báo cáo Thủ tướng và được cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT như kiến nghị của TP. Hà Nội.

Vì vậy liên danh Công ty CPĐT Văn Phú - Invest và Công ty CPĐT Hải Phát chính thức được chỉ định làm nhà đầu tư của dự án xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT.

Theo Quyết định số 1581/QĐ-UBND ngày 07/4/2010 quy mô đầu tư cho dự án thời điểm này dự kiến xây dựng 7 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài khoảng 12,54km. Cụ thể:

Tuyến số 1: Đường Thanh Bình thuộc địa phận phường Văn Mỗ, quận Hà Đông có điểm đầu từ km0 (Khách sạn sông Nhuệ), điểm cuối Km1+680 (trạm bơm Thanh Bình), chiều dài 1,68km, chiều rộng là 18,5m.

Tuyến số 2: Đường 19-5 thuộc địa bàn phường Văn Quán, quận Hà Đông có điểm đầu km0 tại nút giao với đường 430 ngã tư cầu Đen, điểm cuối Km0+496,2 (Trường mầm non Sơn Ca), chiều dài 0,5km, rộng 18,5m.

Tuyến số 3: Tuyến đường quy hoạch thuộc địa phận xã Kiến Hưng, quận Hà Đông có điểm đầu tại ngã ba giao cắt với đường Phúc La – Văn Phú và đường trục phía Nam, điểm cuối sát doanh trại quân đội, chiều dài 0,7km, rộng 23,25m.

Tuyến số 4: Tuyến đường quy hoạch thuộc địa phận phường Phú Lương và một phần xã Bích Hòa, huyện Chương Mỹ có điểm đầu tại ngã ba giao cắt với đường Quốc lộ 21B, điểm cuối sát khu đô thị Thanh Hà, chiều dài 1,7km, rộng: 23,25m.

Tuyến số 5: Tuyến đường quy hoạch thuộc địa phận phường Phú Lương và một phần xã Bích Hòa, huyện Chương Mỹ có điểm đầu giáp KĐT mới Phú Lương, điểm cuối giao cắt với Quốc lộ 21B, chiều dài 4,5km, rộng 42m.

Tuyến số 6: Tuyến đường nằm trong quy hoạch đô thị phía Bắc Hà Đông thuộc địa phận xã Dương Nội, quận Hà Đông và xã Đông La, huyện Hoài Đức. Tuyến đường này có điểm đầu giao cắt với tuyến đường gom vành đai IV thuộc địa bàn xã Đông La, huyện Hoài Đức, điểm cuối giao với đường Lê Trọng Tấn (sát Trường tiểu học Dương Nội B). chiều dài 1,46km, rộng 40m.

Tuyến số 7: Tuyến đường nằm trong quy hoạch chung của Hà Đông thuộc địa phận xã Dương Nội, quận Hà Đông và xã Đông La, huyện Hoài Đức có điểm đầu giao cắt với đường Lê Văn Lương (mương tiêu thoát nước nhánh kênh La Khê), điểm cuối giao với đường quy hoạch thuộc xã Đông La, chiều dài 2,0km, rộng 27m.

Tuy nhiên đến năm 2013, sau cuộc rà soát 61 dự án BT ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu 42 dự án BT không được tiếp tục thực hiện theo hình thức BT nữa mà phải giao lại quỹ đất dự kiến đối ứng cho các sở, ngành để chuẩn bị các thủ tục đấu thầu, đấu giá đất theo quy định. Dự án xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông của liên danh Văn Phú và Hải Phát cũng nằm trong danh sách này.

Cả Văn Phú và Hải Phát đều thuộc hàng đại gia bất động sản hiện nay cho nên bằng việc tự đề xuất với TP. Hà Nội để bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng đầu tư hơn 6,9km các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị và dân cư quận Hà Đông (số liệu từ Văn Phú - Invest) bù lại sẽ được giao 68ha đất đối ứng là cơ hội để 2 doanh nghiệp này tiếp tục thâu tóm nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trong công bố Báo cáo kiểm toán kinh tế - xã hội năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. 

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xây dựng cho rằng, cần nhanh chóng chấm dứt việc xây dựng các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng vì tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản công rất cao. Điển hình, có thể đã tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép" 2 lần: Thứ nhất, khi nhận thầu thi công công trình và khi đầu tư kinh doanh các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông.Đồng thời, các nhà thầu, nhà đầu tư tránh được thủ tục "kép" 2 lần khi lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình và lựa chọn chủ đầu tư dự án BĐS: Khi được chỉ định làm nhà thầu xây lắp mà không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà thầu; Khi được chỉ định nhà đầu tư dự án BĐS các khu đất đối ứng mà không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư.

Nói thêm về Văn Phú Invest, trước ngưỡng cửa 2018 với nhiều dự định đầu tư trải rộng, nhu cầu vốn đương nhiên sẽ rất lớn. Ngay trước thời điểm lên sàn (nhằm mở rộng nguồn vốn, thay vì phụ thuộc vào nhà băng), VPI đã cấp tập tăng vốn, “làm đẹp” hồ sơ. Trong danh mục các dự án đã thế chấp ở nhà băng (công bố hồi giữa năm 2016), Văn Phú chiếm lượng dự án khá lớn. Đáng chú ý, đa phần các dự án của VPI đều đã được thế chấp tại nhà băng thời gian trước - đây phải chăng là một phần lý do khiến VPI vội vã “lên sàn” ngay những ngày cuối của năm tài khóa 2017!?

Thu Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến