Dòng sự kiện:
Sau quyết định lịch sử, chứng khoán Mỹ tiếp tục xuống dốc
04/11/2022 10:33:57
Thị trường chứng khoán Mỹ quy mô 50.000 tỷ USD giảm phiên thứ 4 liên tiếp sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất kể từ đầu thập niên 80.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm thêm gần 147 điểm trong phiên 3/11 (rạng sáng 4/11 giờ Việt Nam) xuống sát ngưỡng 32.000 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm gần 1,1%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm hơn 1,7%.

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 4 liên tiếp sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện một đợt nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hôm 2/11 và phát tín hiệu cho biết xu hướng hay cắt giảm lãi suất sẽ không đến sớm.

Chứng khoán Mỹ giảm trong bối cảnh nỗi lo lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới triển vọng của các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn.


Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm phiên thứ 4 liên tiếp. (Ảnh: CNBC)

Rạng sáng 4/11 (giờ Việt Nam), lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ có lúc vọt lên trên ngưỡng 4,2%/năm - mức cao nhất kể từ năm 2008.

Đồng USD tiến mạnh và đang ở vùng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt sáng 4/11 vẫn ở quanh ngưỡng 113 điểm.

Đồng bạc xanh và lợi tức trái phiếu Mỹ tăng sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu có thể sẽ tăng lãi suất lên mức cao hơn so với dự kiến trước đó là 4,5-4,6%

Rạng sáng 3/11 (giờ Việt Nam), Fed đã tăng lãi suất 75 điểm phần trăm, đúng như dự kiến. Đây là lần thứ 6 trong năm nay và là lần thứ 4 liên tiếp Fed tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm, với tổng mức tăng thêm 375 điểm phần trăm, từ mức 0-0,25% lên mức 3,75-4%/năm như hiện tại.

Như vậy, theo tín hiệu từ Fed, lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức rất cao trong cả năm 2023, thậm chí sang cả năm 2024.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết còn “quá sớm” để thảo luận về việc tạm ngừng nâng lãi suất. Ông chủ ngân hàng trung ương Mỹ cũng chưa nói về mức “lãi suất cuối cùng” hay nói về đỉnh của đợt tăng lãi suất lần này.


Lợi tức trái phiếu 10 năm Mỹ tăng lên đỉnh. (Biểu đồ: M.Hà)

Đây là tín hiệu cho thấy, Cục dự trữ liên bang Mỹ chưa lường hết được mức độ kéo dài của lạm phát lần này cũng như khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ.

Lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh 9,1% (so với cùng kỳ) vào tháng 6/2022 nhưng giảm khá chậm, xuống mức 8,5% trong tháng 7 và 8,2% trong tháng 9. Trong khi đó, mức lãi suất mục tiêu còn rất xa vời, ở mức 2%.

Tình hình lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ khó sớm giảm mạnh giữa lúc thế giới nhiều nơi cũng đối mặt với tình trạng giá cả leo thang mạnh.

Tại châu Âu, lạm phát tháng 10 đạt kỷ lục mới ở mức 10,7%, tăng so với mức 9,9% ghi nhận trong tháng 9. Đây là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997. Trong đó, giá năng lượng trong tháng 10 cao hơn 41,9% so với cùng kỳ 2021, trong khi giá thực phẩm tăng 13,1%.

Một số nước châu Âu ghi nhận lạm phát lên trên 20%.

Chủ tịch Fed Powell cho hay, Fed vẫn có một biện pháp nữa để kiểm soát tình trạng lạm phát. Tuy nhiên, các thị trường tài chính được dự báo sẽ còn bấp bênh cho đến khi nước Mỹ xác nhận rõ ràng rằng lạm phát đã hạ nhiệt và Fed sẽ ngừng nâng lãi suất.

Giới đầu tư đang chờ báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ, dự kiến công bố vào tối 4/11 (giờ Việt Nam). Nếu thị trường lao động Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp thấp, thì Fed có thể sẽ hành động quyết liệt hơn trong tương lai, trước mắt là trong cuộc họp tháng 12 tới.

Tác giả: Mạnh Hà

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến