Dòng sự kiện:
Sầu riêng, chuối được xuất khẩu sau khi bị tạm dừng: Cục Bảo vệ thực vật nói gì?
11/09/2023 14:09:34
Thông tin với VTC News sáng 11/9, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện tất cả lô hàng chở mít, thanh long, sầu riêng, chuối...đã được làm thủ tục thông quan.

"Hiện không còn container chở hàng nào bị tắc nghẽn", ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nói.

Lý giải về văn bản đề nghị các đơn vị chức năng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật để xuất khẩu với hàng trăm container, ông Hiếu cho biết, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc một số lô chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Do đó, đơn vị này đề nghị các đơn vị chức năng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật để xuất khẩu với các lô hàng thuộc mã số vùng trồng, mã số cơ sở có trong danh sách.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có sầu riêng. (Ảnh minh họa: Kinh tế đô thị)

Trong danh sách này có 74 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng xuất khẩu; có 47 mã số bị đề nghị thu hồi. Trong đó có nhiều mã số vùng trồng sầu riêng, thanh long, chuối…đều là những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Hiếu, việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc, làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.

“Vì vậy, Cục đã có động tác tạm dừng khai thác những mã số này để yêu cầu doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương phải làm rõ nguyên nhân vi phạm quy định, qua đó đưa ra giải pháp khắc phục, khi nào hoàn thành xong sẽ tiếp tục được xuất khẩu trở lại”, ông Hiếu nói thêm.

Cũng theo ông Hiếu, phía Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các cơ quan chức năng thời gian qua liên tục đưa ra khuyến cáo, trong đó nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thêm vào đó, xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây, dẫn đến các nước nâng cao rào cản kỹ thuật; các quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu và an toàn thực phẩm ngày càng trở nên khắt khe. Những điều này đang thúc ép chúng ta phải thay đổi, nếu không sẽ tụt hậu và mất thị trường xuất khẩu.

“Bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt. Do vậy, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu trồng đến đóng gói”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều lô hàng mít, thanh long, sầu riêng...được ra cảng ngày 9/9 nhưng đột ngột bị "tuýt còi" tạm dừng xuất khẩu. (Ảnh: Tiền phong)

Trong khi đó, một đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực tế không phải chúng ta tạm dừng xuất khẩu một số mặt hàng trái cây mà chỉ là tạm dừng xuất khẩu đối với một số đơn vị đã vi phạm mã số vùng trồng và đóng gói.

“Những doanh nghiệp này dù đã được thông báo nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nên bị tạm dừng. Hiện nay Bộ đã có chỉ đạo gửi cho các địa phương để khắc phục và gửi về Bộ những yêu cầu khắc phục để xem phương án khắc phục như thế nào, không để tái diễn, vi phạm”, vị này nói.

Trước đó, ngày 9/9, rất nhiều doanh nghiệp chở trái cây ra cảng Cát Lái, TP.HCM thì nhận được thông báo tạm dừng xuất khẩu. Nguyên nhân do mã cơ sở đóng gói bị tạm dừng vì vi phạm quy định bảo vệ thực vật. Các doanh nghiệp họ trở tay không kịp vì thông báo này quá bất ngờ và không được báo trước.

Tác giả: Phạm Duy

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến