Dòng sự kiện:
Saudi Arabia nguy cơ mất khả năng kiểm soát thị trường dầu mỏ
28/01/2021 08:46:16
Đầu tháng này, Saudi Arabia đóng vai trò là nhân tố “gây ngạc nhiên dễ chịu” đối với thị trường dầu mỏ thế giới, như Bộ trưởng dầu mỏ nước này bình luận.

Một cơ sở khai thác dầu ở gần al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là khi Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, một động thái khiến giá dầu bật tăng. Nhưng Iran ngay sau đó lại bắt đầu tăng sản lượng, đẩy ra thị trường hơn 2 triệu thùng/ngày. Giá dầu ngay lập tức quay đầu giảm. Vậy điều gì đang chờ đợi nước đầu tàu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)? 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), triển vọng về nhu cầu dầu mỏ vẫn chưa có gì sáng sủa. Trong bối cảnh đó, quyết định của Riyadh về cắt giảm sản lượng là đúng đắn. Tuy nhiên, giảm sản lượng cũng đồng nghĩa giảm xuất khẩu và giảm xuất khẩu sẽ khiến nguồn thu từ dầu của Saudi Arabia giảm. 

Nhìn nhận khách quan, cầu dầu mỏ cũng có cải thiện từ sau tháng 11/2020, đúng thời điểm vaccine ngừa COVID-19 được giới thiệu và bắt đầu đưa vào tiêm chủng ở một số nước. Thông tin tích cực này có tác dụng đẩy giá dầu lên, giúp Saudi Arabia cải thiện ngân sách. Tuy nhiên, sự lạc quan này bắt đầu phai nhạt, sau khi ai cũng nhận ra rằng tiêm ngừa vaccine không thể diễn ra nhanh chóng như mong đợi. 

Về nguồn cung, có thể ngành dầu đá phiến Mỹ sẽ tính toán lại, sẵn sàng gia nhập thị trường. Đầu tháng này, Tổng Giám đốc IEA, ông Faith Birol, cho biết các nhà sản xuất dầu đá phiến đã có được lợi nhuận khi ở mức giá dầu hiện tại. Số này còn do dự, nhưng có thể sẽ phải nhảy vào khai thác để lấy tiền chi trả cho các khoản vay nợ, nâng sản lượng, như cách họ đã từng làm trong cuộc khủng hoảng giá dầu mới nhất. 

Về cầu, một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới đang lên tiếng phàn nàn về cách tiếp cận của Saudi Arabia “bằng mọi biện pháp để giữ giá dầu”. Ấn Độ không muốn giá dầu tăng cao, khi quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này phải nhập khẩu đến 80% nhu cầu dầu mỏ trong nước. 

Cách tiếp cận “bằng mọi biện pháp để giữ giá dầu” đã từng phát huy hiệu quả trong quá khứ, nhưng chỉ được đúng một thời điểm. Sau đó, phương châm này quay trở lại gây hại cho người khởi xướng. Saudi Arabia đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách lớn, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh trên quy mô toàn cầu, làm giảm vai trò của dầu thô.

Ngoài ra, Ryiadh còn gặp phải thách thức đến từ Iran, nước đối thủ đang sẵn sàng mở rộng hiện diện trên thị trường. Không có nhiều lựu chọn cho Saudi Arabia trong tình huống này. 

Trong nước, Saudi Arabia vẫn theo đuổi kế hoạch đa dạng hóa kinh tế, với nhiều siêu dự án. Đó là bản kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Hoàng thái tử Mohammed Bin Salman, với việc cập nhập, bổ sung thêm nhiều dự án thành phần vào kế hoạch NEOM trị giá 500 tỉ USD. Mới nhất là ý tưởng xây dựng một thành thông minh không phát thải khí nhà kính, với chi phí xây dựng khoảng 100-200 tỉ USD.

Quỹ Tài sản Quốc gia (PIF) của Saudi Arabia cũng có kế hoạch đầu tư 40 tỉ USD/năm vào các dự án trong nước để khôi phục nền kinh tế đang suy giảm. Đó sẽ là con số khá lớn, so với mức 15,5 tỉ USD của năn 2019. PIF cũng không phải là vô hạn, khi tổng tài sản dự trữ của quỹ cũng dừng ở mức 400 tỉ USD. Điều này làm dấy lên nghi ngờ, Saudi Arabia sẽ không có đủ nguồn lực tài chính để thực thi các dự án đã lên kế hoạch, cùng lắm chỉ thực hiện được khoảng 50% dự kiến. 

Nhu cầu nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia vẫn yếu và có thể sẽ trở thành xu hướng dài hạn nếu quá trình dịch chuyển sang năng lượng xanh thành công. Cạnh tranh trên thị trường cũng ngày một khốc liệt, trong khi việc đa dạng hóa nền kinh tế gặp thách thức lớn. Trong một thế kẹt như vậy, nước đầu tàu OPEC không thể làm được gì nhiều.

Điều duy nhất trong tầm tay là giữ sản lượng ở mức thấp. Giải pháp này sẽ khiến các đối thủ của Ryiadh chịu đau, nhưng người chịu tổn thương lớn hơn sẽ lại là Saudi Arabia. 

Tác giả: Hoài Thanh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến