Dòng sự kiện:
SCIC muốn tham gia tăng vốn cho hai ngân hàng quốc doanh
16/06/2019 18:02:32
Hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank. Hai nhà băng này cũng là hai trường hợp gặp nhiều khó khăn về tăng vốn và đang đối mặt với áp lực tuân thủ tiêu chuẩn Basel II.

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết đang làm việc với các ngân hàng quốc doanh về khả năng SCIC tham gia mua cổ phần các nhà băng này.

"SCIC đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và hai ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) về phương án đầu tư. Hiện đề xuất của SCIC đã được các nhà băng này xây dựng và trình cho các cấp cao hơn phê duyệt", ông Thành cho biết.

SCIC đã làm việc với NHNN, Bộ Tài chính và hai ngân hàng quốc doanh là BIDV VietinBank về phương án đầu tư

Theo Tổng giám đốc SCIC, phương án được tổng công ty đưa ra là mua cổ phần hai nhà băng này bằng mệnh giá, giúp những ngân hàng này giải quyết "bài toán" thiếu vốn. "SCIC nhận thấy đây là cơ hội đầu tư phù hợp. Trước mắt, phương án này sẽ đợi sự chấp thuận từ cơ quan quản lý. Trong trường hợp không được phê duyệt đề nghị mua cổ phần bằng mệnh giá, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về phương án đầu tư khác", Tổng giám đốc SCIC nói.

Đánh giá về hiệu quả đầu tư vào ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết SCIC từng đầu tư vào Ngân hàng Quân Đội (MB) và lịch sử cho thấy đây là khoản đầu tư mang lại hiệu suất tốt. Nếu được chấp thuận và tỷ lệ tham gia của SCIC dưới 5% thì việc đầu tư vào hai nhà băng quốc doanh sẽ là khoản đầu tư tài chính, còn nếu đủ điều kiện trở thành cổ đông lớn sẽ là cơ hội giúp SCIC gia tăng nền tảng quản trị cho các ngân hàng.

Đề nghị mới từ SCIC đưa ra trong bối cảnh khối ngân hàng quốc doanh và hệ thống ngân hàng đang "chật vật" tìm cách tăng vốn.

Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chỉ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ, trong bối cảnh khó khăn thời gian qua.

Cụ thể, tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II, trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.

Do đó, NHNN cho rằng cần có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có việc giữ lại lợi nhuận của ngân hàng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các NHTM có vốn nhà nước.

Đồng thời, để đảm bảo các ngân hàng này đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư để xử lý vấn đề tăng vốn cho các NHTMNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (ngoại trừ các ngân hàng mua bắt buộc).

Tại Hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng 2019, nhu cầu tăng vốn được lãnh đạo 4 ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt nhấn mạnh "vấn đề đặc biệt cấp bách" trong bối cảnh hiện nay.

Thậm chí, tại họp Đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ còn khẳng định ngân hàng buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng. Trong trường hợp không tăng được vốn thì ngân hàng phải điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng (trong khi nếu tăng được vốn theo hướng giữ lại cổ tức thì kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2019 của ngân hàng cũng chỉ ở mức 6%).

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến