Phiên đấu giá cổ phiếu tại TIIDC đủ điều kiện tổ chức
Ngày 24/12 tới, phiên đấu giá hơn 1,14 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại CTCP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thanh Hóa (TIIDC) sẽ được tổ chức.
Đây có thể coi là “trái ngọt” cho SCIC, bởi sau nhiều lần chào bán lô cổ phiếu này không thành công, thì tại thời điểm “chốt” đăng ký đợt chào bán mới đây, đã có 4 nhà đầu tư cá nhân đăng ký tham gia.
Đợt chào bán này thu hút sự quan tâm, theo nhận định của giới đầu tư, là do mức giá mà SCIC đưa ra hợp lý hơn đợt chào bán hồi năm ngoái rất nhiều.
Cụ thể, giá khởi điểm lô cổ phiếu trên là 37,7 tỷ đồng, tương đương 33.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi tại đợt chào bán hồi tháng 4/2020, SCIC đặt mức giá khởi điểm lên tới 45.300 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư bỏ giá cao nhất sẽ được SCIC “sang tay” toàn bộ 1,14 triệu cổ phiếu, tương đương 45,72% vốn điều lệ của TIIDC.
Lô cổ phiếu này được đánh giá là rất giá trị, bởi theo bản công bố thông tin, TIIDC đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất có diện tích khoảng 800.000 m2 tại Thanh Hóa, tất cả là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất. Ngoài ra, báo cáo tài chính các năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, TIIDC có hoạt động kinh doanh khá ổn định.
Theo báo cáo tài chính quý II/2021 của TIIDC, tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Công ty đạt 206,8 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 26,8 tỷ đồng; nợ phải trả 180 tỷ đồng, trong đó phần lớn là doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn và dài hạn (hơn 136 tỷ đồng).
Trong nghiệp vụ kế toán, doanh thu chưa thực hiện là khoản doanh thu mà doanh nghiệp có thể thu được trong tương lai, do khách hàng trả tiền trước, nhưng chưa cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Được biết, TIIDC hiện có 5 chi nhánh và hoạt động chính trong các lĩnh vực: cho thuê lại đất, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, quản lý vận hành trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, thoát nước và xử lý nước thải, xây dựng các công trình dân dụng và đường bộ, kho bãi và lưu giữ hàng hóa.
Công ty đang thi công công trình tại các dự án như Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, Cụm công nghiệp Thọ Minh, Khu đô thị thị trấn Lam Sơn; phát triển nhà ở lô 2, lô 3 thuộc quy hoạch phân khu phường Quảng Hưng (TP. Thanh Hóa).
TIIDC cũng đang quản lý vận hành nhà ở xã hội CT1, trụ sở khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh. Ngoài ra, Công ty đang cung cấp dịch vụ xử lý nước thải cho 19 doanh nghiệp, đồng thời cung cấp dịch vụ vệ sinh cho Khu công nghiệp Lễ Môn.
Thế khó khi chào bán cổ phiếu Bến xe Kon Tum
Cũng trong đợt cuối tháng 12 này, SCIC dự kiến đấu giá toàn bộ 3,18 triệu cổ phiếu đang sở hữu, tương đương 97,03% vốn của CTCP Bến xe Kon Tum.
Trước đó, hồi tháng 11/2021 và năm 2017, SCIC cũng đã chào bán lô cổ phiếu trên, song phiên đấu giá đã không thể diễn ra do không có nhà đầu tư nào quan tâm, đặt cọc.
Tại đợt đấu giá này, giá khởi điểm cho cả lô cổ phiếu của SCIC tại Bến xe Kon Tum là 32,2 tỷ đồng (tương đương 11.700 đồng/cổ phiếu), bước giá 1 triệu đồng/lô. Chỉ nhà đầu tư trong nước được phép tham gia đấu giá.
CTCP Bến xe Kon Tum có địa chỉ tại 281 - Phan Đình Phùng, phường Quang Trung, TP. Kon Tum; tiền thân là Bến xe Ô tô khách liên nội tỉnh Kon Tum, trực thuộc Sở Giao thông - Vận tải Kon Tum, chính thức cổ phần hóa vào năm 2010. Đơn vị này có ngành nghề kinh doanh gồm kho bãi và các khoản động hỗ trợ vận tải; cho thuê mặt bằng, khách sạn, nhà trọ.
Công ty có vốn điều lệ gần 32,8 tỷ đồng, với 20 cổ đông. Ngoài SCIC đang nắm giữ 97,03% cổ phiếu, số cổ phiếu còn lại chia cho 1 cổ đông tổ chức và 18 cá nhân.
Về tình hình tài chính, theo báo cáo tài chính năm 2020 (đã kiểm toán), tổng tài sản của Bến xe Kon Tum tại ngày 31/12/2020 là 34,86 tỷ đồng, trong đó, có giá trị lớn nhất là khu đất 281 - Phan Đình Phùng (phường Quang Trung, TP. Kon Tum), với 27,7 tỷ đồng.
Mảnh đất này có diện tích 13.321 m2, được UBND tỉnh Kon Tum chuyển đổi hình thức từ giao đất sang cho thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn thuê 42 năm từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2052. Tuy nhiên, mảnh đất nói trên nằm trong diện thu hồi để phục vụ việc chỉnh trang đô thị của UBND tỉnh Kon Tum. Địa điểm di dời bến xe Kon Tum được UBND tỉnh giới thiệu nằm ở phía bắc TP. Kon Tum, diện tích 15.967 m2.
Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực là thời điểm thích hợp cho hoạt động thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa.
Với lô cổ phiếu TIIDC, điều này có thể là chính xác. Nhưng với Bến xe Kon Tum, việc khu đất 281 - Phan Đình Phùng (chiếm phần lớn giá trị tài sản của Công ty) sẽ bị thu hồi là điểm khiến nhà đầu tư còn ngập ngừng trước việc “xuống tiền”.
Tác giả: Kỳ Thành
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy