Dòng sự kiện:
SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT: “Của Ceasar trả lại Ceasar”
14/10/2015 13:44:10
ANTT.VN - Nó làm tôi nhớ đến một câu nói của các nước Tây phương, đó là: “Của Ceasar trả lại Ceasar”, và trong trường hợp này có nghĩa là “cái gì của tư nhân thì trả lại cho tư nhân”.

Tin liên quan

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia (VINARE)…

Danh sách 10 công ty SCIC được chọn thời điểm thoái vốn

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép SCIC tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư dài hạn đối với 9 công ty, gồm: Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC), Công ty TNHH Một thành viên Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty Cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào, Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt-SCIC, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco.

Sau khi được công bố, văn bản 1787/TTg-ĐMDN đã ngay lập tức trở thành thông kinh tế tin nóng hổi nhất thị trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Văn bản 1787/TTg-ĐMDN có làm ông bất ngờ không, thưa ông?

Thực ra tôi không bất ngờ lắm, bởi vì chương trình thoái vốn của Chính phủ đã nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm rồi, mà năm nay lại là năm cuối trong lộ trình thực hiện kế hoạch 5 năm đó. Dù rằng, trên thực tế, tiến độ cổ phần hóa cũng như tiến độ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ hiện diễn ra khá chậm, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đã đến hạn chót.

Việc Chính phủ đồng ý cho SCIC đẩy mạnh tiến trình này là hoàn toàn nằm trong kỳ vọng của thị trường và bản thân tôi không bất ngờ với văn bản 1787/TTg – ĐMDN vừa được công bố.

Điều khiến tôi quan tâm chỉ là việc trong tổng số 19 công ty được đề cập thì Chính phủ cho SCIC thoái vốn khỏi 10 công ty, trong khi với 9 doanh nghiệp còn lại thì đơn vị này vẫn được tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư dài hạn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu

Thoái vốn giúp tìm lời giải cho bàn toán ngân sách

Nhưng thưa ông, theo Đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12/2013 thì SCIC sẽ được nắm giữ, đầu tư dài hạn tại 04 công ty, bao gồm: CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia (VINARE), CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom), CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk); Đồng thời, thoái vốn tại 376 doanh nghiệp, trong đó có cả Tập đoàn Bảo Việt (BVH). Nhưng tại văn bản 1787 này, SCIC sẽ được thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT Telecom và VINARE; trong khi lại được giữ vốn tại Tập đoàn Bảo Việt. Phải chăng định hướng đầu tư của SCIC đã được điều chỉnh?

Đúng là kế hoạch đã có sự thay đổi khi đến bây giờ Chính phủ để SCIC giữ vốn tại 09 công ty nhưng lại cho phép thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT Telecom và VINARE.

Vậy, tại sao lại có sự thay đổi này?

Theo tôi, tiến trình cổ phần hóa DNNN cũng như thoái vốn nhà nước không phải là một tiến trình dễ dàng.

Thị trường vốn của chúng ta rất giới hạn và ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang chịu không ít ảnh hưởng từ các biến động trên thị trường tài chính thế giới. Thành ra, nguồn vốn đầu tư, nhất là dòng tiền từ khối ngoại không dồi dào.

Do đó, mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo kế hoạch cũ sẽ phát sinh trở ngại nên nhu cầu điều chỉnh là điều cần thiết và dễ hiểu.

Song cũng cần phải nói rằng, trong trường hợp này, việc Chính phủ cho phép SICIC thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT Telecom, VINARE và 07 DN khác nữa không chỉ đơn thuần là nằm trong kế hoạch chung là tái cơ cấu lại các DN có vốn nhà nước. Bởi, cân đối ngân sách đang là một bài toán lớn mà Chính phủ phải đối mặt và bắt buộc phải giải quyết.

Nếu đẩy mạnh được quá trình cổ phần hóa DN có vốn nhà nước, nhanh chóng thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực không cần nắm giữ, Chính phủ sẽ thu về được một số tiền đáng kể, phục vụ hiệu quả cho công tác xử lý bội chi ngân sách.

“Của Ceasar trả lại Ceasar”

Việc Chính phủ quyết định thoái vốn khỏi 10 công ty đã nêu hàm chứa yếu tố tích cực gì cho thị trường, thưa ông?

Quyết định đó cho thấy Chính phủ đã dần dần thoát ra khỏi việc tham gia vào các lĩnh vực kinh tế mà đáng lý ra phải để cho tư nhân.

Nó làm tôi nhớ đến một câu nói của các nước Tây phương, đó là: “Của Ceasar trả lại Ceasar”, và trong trường hợp này có nghĩa là “cái gì của tư nhân thì trả lại cho tư nhân”.

Tôi thấy rằng việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là một bước đi rất thích hợp. Thế nhưng, như đã nói, đó không phải là chuyện dễ. Tất cả mới chỉ nằm trên bàn tính của Chính phủ. Thị trường vốn ngoài kia liệu rằng có thuận lợi để giúp Chính phủ thu về 4 tỷ USD từ việc thoái vốn khỏi 10 DN hay không lại là một chuyện khác.

SCIC có dễ buông những “con gà đẻ trứng vàng”?

Theo Văn bản 1787/TTg-ĐMDN, SCIC được phép “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”. Với cơ chế được “chọn thời gian thích hợp” như vậy, liệu rằng SCIC có dễ dàng buông những “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk, FPT, VINARE… - các DN luôn mang lại cho họ nhiều nghìn tỷ đồng lợi tức mỗi năm?

Tôi nghĩ rằng, với SCIC thì mục tiêu của họ ở thời điểm hiện tại sẽ là thoái vốn càng nhanh càng tốt, sao cho đúng với định hướng của Chính phủ hơn là vấn đề lợi nhuận.

Tôi không thấy bằng chứng cho việc họ sẽ cố tình chần chừ trong việc rút vốn khỏi Vinamilk, FPT,… để giữ lợi nhuận mà ngược lại tôi tin họ rất muốn nhanh chóng thoái vốn khỏi các DN nghiệp này nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc tiến hành thoái vốn, như tôi đã nói, tại thời điểm này thị trường tài chính đang có rất nhiều biến động nên thành ra phải để cho SCIC họ tự chủ động trong việc vạch ra một kế hoạch thoái vốn để làm sao cho tốn ít chi phí nhất mà lợi ích Chính phủ thu về cũng là tốt nhất. Đặc biệt là trong tình hình tài chính ngân sách quốc gia đang rất căng thẳng như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến