Dòng sự kiện:
Sẽ có thay đổi lớn trong quản lý nợ quốc gia?
18/10/2020 06:15:26
Dự kiến Chính phủ sẽ đề xuất một số thay đổi chính sách đáng chú ý, từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Một hướng đề xuất là cân nhắc bỏ hạn mức trần đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (Ảnh minh họa).

Ở bài viết trước, BizLIVE đã đề cập đến dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu kiểm soát nợ công sau 5 năm, theo các chỉ tiêu Quốc hội đã xác định.

Báo cáo mới nhất Chính phủ vừa gửi Quốc hội tiếp tục cập nhật thêm về tình hình nợ công năm 2020, dự kiến cho năm 2021. Đặc biệt, có một số hướng quản lý dự kiến đề xuất mà nếu triển khai sẽ tạo thay đổi lớn.

Áp lực vượt ngưỡng và cân đối thanh khoản

Theo báo cáo, dự kiến đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước khoảng 24,1%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP; trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ khoảng 34,6%.

Về cơ bản dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, riêng chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 25% (có thể lên mức 34,6%) được Chính phủ giải thích là, chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng mạnh, cần có biện pháp kiểm soát dòng tiền để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo dự báo của Chính phủ thì đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại).

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN có thể lên mức 27,4% (Quốc hội chỉ cho phép 25%), Chính phủ cho rằng cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này.

Nhìn lại cả giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ nêu một số vấn đề quan trọng đang được đặt ra trong quản lý nợ công. Trong đó có vấn đề đã được một số chuyên gia cảnh báo, đó là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN có xu hướng tăng nhanh và có khả năng vượt ngưỡng 25% trong một số năm trong giai đoạn tới, do lịch trả nợ gốc không đồng đều, tập trung cao vào một số năm.

Vấn đề này một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của NSNN, mặt khác tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực NSNN để trả nợ đến hạn (chủ yếu là nợ TPCP) là không nhỏ trong trường hợp không kiềm chế hiệu quả yêu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách Trung ương, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động (như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn…), đặc biệt trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn.

Lo ngại tiếp theo được nêu trong báo cáo là, việc quản lý, giám sát chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia có khó khăn, bất cập cả về công cụ quản lý cũng như phương thức quản lý.

Trong bối cảnh nước ta đã được quốc tế xếp vào nhóm các quốc gia có khả năng tiếp cận thị trường vốn, các chỉ tiêu trần và hạn mức nợ nước ngoài của quốc gia áp dụng trong giai đoạn trước đây và hiện nay đang mất dần ý nghĩa. Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, tham vấn với một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới cũng như các cơ quan trong nước về khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia. Các tổ chức và cơ quan này đều khuyến nghị Việt Nam xem xét, điều chỉnh chính sách và công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp hơn với đặc điểm rủi ro của mỗi cấu phần nợ.

Những hướng đề xuất dự kiến

Theo kinh nghiệm quốc tế, không có nước nào áp dụng hạn mức trần chung cho chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia (của khu vực công lẫn khu vực tư), cũng như không quốc gia nào đề ra mức trần chung đối với các khoản vay nước ngoài của khu vực tư nhân. Thay vào đó, các nước thường áp dụng công cụ quản lý đối với từng loại doanh nghiệp, tổ chức cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (người ký báo cáo) cho biết, trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, phê duyệt định hướng chính sách chung theo hướng tách bạch quản lý nợ nước ngoài khu vực công và khu vực tư nhân, theo đó chỉ đề ra mức trần nợ công nước ngoài trên tổng dư nợ công; thiết lập chỉ tiêu cảnh báo (thay vì mức trần cứng) đối với chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của khu vực công và của khu vực tư nhân để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Về các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả: cân nhắc bỏ hạn mức trần đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; nghiên cứu, đề xuất áp dụng bộ công cụ chính sách an toàn vĩ mô và kiểm soát luân chuyển vốn phù hợp với rủi ro của từng đối tượng vay để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Về thống kê, phân loại nợ nước ngoài: nghiên cứu và xem xét điều chỉnh phương pháp thống kê nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư nhân theo nguyên tắc nơi cư trú của chủ nợ để phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế; đồng thời theo dõi chỉ tiêu nợ nước ngoài theo tiêu chí ngoại tệ để quản lý rủi ro tỷ giá.

Với định hướng này, Chính phủ dự định trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương điều chỉnh khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia trong khuôn khổ Đề án Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 theo hướng tách bạch quản lý nợ nước ngoài khu vực công và khu vực tư nhân, chỉ đề ra mức trần nợ công nước ngoài trên tổng dư nợ công; thiết lập chỉ tiêu cảnh báo (thay vì mức trần cứng) đối với chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư nhân để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời; nghiên cứu và xem xét điều chỉnh phương pháp thống kê nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư nhân theo nguyên tắc nơi cư trú của chủ nợ để phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế.

Tác giả: Trung Chính

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến