Dòng sự kiện:
Sẽ có thêm nhiều chế tài mạnh buộc doanh nghiệp lên sàn
08/08/2018 08:00:09
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Tài chính công khai các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn.

Phạt nặng nhiều doanh nghiệp

Một lần nữa, tình trạng nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán bị lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở.

Cụ thể, khi chủ trì cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm nay của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo nhắc nhở: Số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán rất thấp. Mới chỉ có 150 trong số khoảng 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện niêm yết và chính điều này đã làm giảm tính hiệu quả trong bán vốn nhà nước…

Thực ra, hiện trạng doanh nghiệp nhà nước hậu cổ phần hóa chậm lên sàn không phải là… chuyện mới. Đáng nói là tuy nhà quản lý đã áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay, nhưng xem ra điều này chưa tạo được tính răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký trên sàn chứng khoán.

Năm nay, lần đầu tiên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng chế tài xử phạt mạnh nhiều doanh nghiệp vì lỗi chậm đưa cổ phiếu lên sàn. Chỉ tính riêng trong tháng 6/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phạt 3 công ty vì lỗi này.

Gần đây nhất, ngày 20/6/2018, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt Tổng công ty Đức Giang - CTCP (số 59 phố Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) 70 triệu đồng vì đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn từ trên 3 tháng đến 6 tháng.

Tổng công ty Đức Giang trở thành công ty đại chúng trước ngày 1/1/2016 (thời điểm có hiệu lực của Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết), nhưng đến ngày 11/5/2017, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới nhận được hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu của Tổng công ty.

Mạnh tay hơn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa áp dụng mức phạt tới 350 triệu đồng (kịch khung là 400 triệu đồng) đối với Tổng công ty Cơ điện xây dựng - CTCP (Km 10, quốc lộ 1A, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) và CTCP Cơ điện Trần Phú (41 Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội).

Cả hai doanh nghiệp này đều trở thành công ty đại chúng trước ngày 1/1/2016 (thời điểm Thông tư 180/2015/TT-BTC có hiệu lực), nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán…

Riêng trường hợp của Tổng công ty Cơ điện xây dựng, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận là công ty đại chúng vào giữa năm 2014, đến ngày 31/12/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Phớt lờ nhiều văn bản đốc thúc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán của SCIC, Ban điều hành của Tổng công ty Cơ điện xây dựng vẫn không thực hiện.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với bộ phận quan hệ cổ đông của Tổng công ty Cơ điện xây dựng và CTCP Cơ điện Trần Phú để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các công ty này lại chậm lên sàn đến mức phải bị xử phạt, cũng như sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt thì bao giờ sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhưng không nhận được sự hợp tác.

Trước đó, Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định cũng bị xử phạt 200 triệu đồng do đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn từ trên 9 tháng đến 12 tháng. Vậy nhưng, đến nay, doanh nghiệp này chưa có đả động gì đến việc đưa cổ phiếu lên sàn.

Đã kiến nghị giải pháp lên Chính phủ

Liên quan đến hướng khắc phục tình trạng doanh nghiệp chây ỳ lên sàn kéo dài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Tài chính công khai các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 vừa diễn ra rằng Bộ Tài chính có giải pháp gì để thực hiện nghiêm chỉ đạo trên của lãnh đạo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương đôn đốc, thúc đẩy nhanh các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa để khẩn trương niêm yết trên thị trường chứng khoán như chỉ đạo của Phó Thủ tướng…

Để chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn, ngoài đề xuất các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp đã cổ phần hóa khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp mới lên Chính phủ.

Theo đó, sẽ nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan liên quan, doanh nghiệp trong việc để xảy ra tình trạng chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Hy vọng, sau Hội nghị toàn quốc về doanh nghiệp nhà nước sắp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có những quyết sách mới không chỉ để thúc đẩy tiến độ thoái vốn nhà nước ở các công ty cổ phần đang chậm, mà còn tạo ra bước chuyển biến mới trong việc buộc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán...

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong số hơn 700 doanh nghiệp chậm lên sàn được công khai năm trước, đến nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp lên sàn.

Nhiều trường hợp chưa lên sàn vì chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng. Với những doanh nghiệp đã đủ điều kiện lên sàn, mà không tuân thủ, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát để tiến hành xử phạt, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ. Các trường hợp xử phạt sẽ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố trên website cơ quan này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. 

Bộ Tài chính sẽ phối hợp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn

Từ tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong cuộc họp vừa rồi của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận và chỉ đạo các bộ chủ quản, các địa phương phải rà soát, sắp xếp tất cả doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, mà đủ điều kiện thì phải thực hiện các thủ tục để niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương đôn đốc, thúc đẩy nhanh các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa để khẩn trương niêm yết trên thị trường chứng khoán như chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Theo ĐTCK


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến