Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Đó là khẳng định của ông Đặng Huy Đông, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT).
Ông Đông nói: "Đã đến lúc chúng ta phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn để dòng vốn khu vực tư nhân chảy nhiều hơn trong nền kinh tế. Trước đây, tăng trưởng kinh tế của VN có giai đoạn dựa nhiều vào nguồn lực nhà nước, như vốn ngân sách, đầu tư doanh nghiệp nhà nước..."
"Đến nay, tiềm năng phát triển nhờ nguồn lực trên đã đến giới hạn. Lần này, được giao soạn thảo Luật đầu tư Bộ KH-ĐT sẽ thể chế hóa điều 14 của Hiến pháp là người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Theo chỉ đạo, chúng tôi đang tích cực rà soát để bãi bỏ, đơn giản và minh bạch hóa các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (KDCĐK)."
* Thưa ông, đang có tranh luận khá gay gắt giữa các bộ, ngành, địa phương về việc bỏ ngành nghề KDCĐK?
- Từ 51 ngành nghề cấm kinh doanh, chúng tôi đã đề nghị chỉ giữ tám. Điều này cơ bản được nhất trí cao, sẽ thống nhất để đưa vào luật nhằm pháp chế hóa.
Về ngành nghề KDCĐK, đi kèm là “giấy phép con, cháu” thật ra phải chia hai loại. Thứ nhất là 64 ngành, nghề, lĩnh vực áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu theo các cam kết theo điều ước quốc tế, vì vậy không sửa đổi. Còn lại 368 ngành nghề KDCĐK áp dụng cho mọi nhà đầu tư, qua rà soát chúng tôi thấy có thể bãi bỏ khoảng 15% (tức khoảng 56/368 ngành nghề). Tất nhiên, con số này còn có thể thay đổi, bởi Bộ KH-ĐT sẽ phải thảo luận với các bộ, ngành, địa phương.
* Bộ KH-ĐT tính bỏ 15% ngành nghề KDCĐK. Nghĩa là trước đây, chúng ta đã tạo ra nhiều rào cản?
- Theo tôi, ở mỗi thời kỳ các quốc gia đều có những ngành nghề khuyến khích và cần hạn chế tùy thực tiễn và yêu cầu quản lý. VN đã tham gia nhiều hiệp ước quốc tế, một số ngành nghề đối tác áp dụng điều kiện cởi mở hay nghiêm ngặt với VN thì VN cũng có quy định về tương ứng theo nguyên tắc đối đẳng.
Song chúng tôi đánh giá đúng là nếu làm tốt việc cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh, trong đó có việc cắt giảm các loại giấy phép không thật sự cần thiết, sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Từ đó, theo một cách tính toán, GDP có thể tăng 1-2%, tương đương 15-25 tỉ USD.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông - Ảnh: Nguyễn Khánh
* Thực tế có tình trạng hay được nói đến là “không quản được thì cấm”. Đợt rà soát này có giải quyết được tình trạng đó? Cần đưa những ngành nghề cấm, KDCĐK vào luật để “chốt”?
- Khi rà soát, đúng là có những ngành nghề chúng ta đưa ĐKKD chưa hợp lý, có thể chưa hiểu hết nhưng vẫn cấm. Ví dụ việc đưa vật nuôi biến đổi gen vào danh mục cấm kinh doanh thì đây là cả vấn đề khoa học lớn, chúng ta chưa có hiểu biết hết. Thận trọng là đúng, nhưng có thật cần thiết cấm không? Với tinh thần tháo gỡ khó khăn thì những vấn đề cấm, đặt ĐKKD phải thật sự thận trọng và hợp lý.
Nguyên tắc tới đây sẽ chỉ cấm kinh doanh với những ngành nghề liên quan an ninh, quốc phòng, ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, sức khỏe cộng đồng. Sau khi chốt được danh mục cấm sẽ công khai, đưa vào trong luật để không có thêm ngành nghề cấm nào được quy định dưới luật. Với ngành nghề KDCĐK, cũng có ý kiến nên đưa thẳng vào luật để hạn chế phát sinh.
Tuy nhiên, việc bổ sung hay bãi bỏ ngành nghề KDCĐK phải theo thực tiễn tại từng thời kỳ. Khi hội nhập sẽ luôn phát sinh những ngành, nghề kinh doanh mới, như kinh doanh tiền Bitcoin chẳng hạn. Nếu đợi sửa luật thì rất lâu. Nên để linh hoạt, dự kiến sẽ giao Chính phủ quy định danh mục nghề KDCĐK trong nghị định.
* Nhưng thưa ông, với hơn 300 ngành nghề kinh doanh cấm và KDCĐK vẫn quá lớn? Làm thế nào để tiếp tục giảm gánh nặng cho người dân?
- Ở mỗi thời điểm trình độ quản lý và yêu cầu thực tế có khác nhau. Tôi không cho rằng cứ ít ĐKKD, giấy phép con là tốt, hay cứ giảm là tốt. Chúng tôi có khảo sát, đánh giá thì thấy ngay như Úc hay New Zealand có rất nhiều ngành nghề KDCĐK, thậm chí có nơi lên đến cả ngàn. Vấn đề là quy định phải cụ thể, minh bạch và dễ tuân thủ. Quy định về ĐKKD của những nước phát triển thường chỉ rõ từng bước doanh nghiệp phải tuân thủ, quy trình xử lý của cơ quan chức năng để không thể tùy ý suy diễn, hai cách hiểu, hai cách áp dụng.
ĐKKD ở VN chúng tôi định hướng sau khi Luật đầu tư ban hành cũng sẽ phải rõ ràng, định lượng để doanh nghiệp có thể tự đánh giá được, trong một số trường hợp họ có thể tự đăng ký, cam kết thực hiện thay vì phải đi xin phép. Cơ quan chức năng sẽ chỉ hậu kiểm.
Chúng tôi sẽ công khai các ĐKKD cần đáp ứng của từng ngành trên cổng thông tin điện tử www.dangkykinhdoanh.gov.vn chứ không để dân phải đến tận trụ sở cơ quan chức năng hỏi mới biết.
* VN đưa ra ĐKKD rất nhiều, nhưng hiệu quả thực thi cao. Có lo ngại vì sợ trách nhiệm, thậm chí là lợi ích nên nhiều bộ ngành áp đặt ĐKKD. Ông có lo giảm giấy phép con sẽ không đơn giản?
- Quyền tự do kinh doanh của dân đã được quy định rõ trong hiến pháp nên không thể không thi hành. Các bộ ngành đều có chức năng quản lý nhà nước để đảm bảo lợi ích, trật tự, an toàn xã hội trong ngành của mình nên họ phải ban hành những ĐKKD. Nhưng nguyên tắc rà soát lần này, chúng tôi đề nghị cơ quan nhà nước phải đưa ra diễn giải sự cần thiết phải duy trì, phải đánh giá được hiệu lực, hiệu quả quản lý, xem nếu bỏ đi có gây nguy hại gì không.
Ngoài ra, cũng phải đánh giá nguồn lực để thực thi quy định có đủ không, từ con người đến tài chính. Tham vọng quản lý có thể lớn, nhưng nếu đặt ra mà không làm được thì phải xem lại. Ngay cả quản lý những vấn đề cần quản lý (như đưa ĐKKD để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho dân) thì cũng phải xem cách thức quản lý đã phù hợp, minh bạch, tạo điều kiện cho dân chưa... Từ đó có thể dẫn đến đưa ra cách thức quản lý phù hợp hơn, như huy động sự tham gia của cộng đồng, hiệp hội...
CẦM VĂN KÌNH – tuoitre.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy