Ngày 5/10, tại họp báo thường kỳ quý III/2023, Bộ Tài chính cho biết, đã hoàn thành thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi, đang thanh tra Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam (Manulife) và một doanh nghiệp khác. Từ nay tới cuối năm sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại theo kế hoạch.
Sau “khủng hoảng” từ năm 2022, thị trường bảo hiểm đang sụt giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có hơn 1 triệu hợp đồng bảo hiểm mới, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 38%.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong diện được Bộ Tài chính đang thanh tra có thị phần khá lớn trên thị trường. Trong 6 tháng đầu năm, Dai-ichi Life và Manulife là 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về số phí khai thác mới, lần lượt là 2.046 tỷ đồng và 1.976 tỷ đồng.
Nằm trong danh sách doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính thanh tra, Manulife có tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2023 hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm 17,2% toàn thị trường; Dai-ichi Life gần 9.800 tỷ đồng, chiếm 12,5% thị trường...
Cơ quan chức năng đang giám sát quá trình thực hiện kết luận thanh tra Prudential.
Ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, bên cạnh thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, chúng tôi cũng đang giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã công bố, gồm: Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas.
“Kết luận thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm gồm 2 phần: kiến nghị về chuyên môn và tài chính. Với kiến nghị về chuyên môn, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chấp hành. Với phần kiến nghị về tài chính, đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm đang phối hợp với cơ quan thuế thực hiện”, ông Tuấn cho biết.
Doanh thu phí và số hợp đồng bảo hiểm giảm mạnh nhưng số tiền trả bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh, ở mức 25.850 tỷ đồng, tăng 37,1% với cùng kỳ năm trước.
Một trong những doanh nghiệp có số chi trả tăng mạnh là Manulife. Theo báo cáo tài chính riêng giữa niên độ năm 2023, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng vọt lên hơn 8.800 tỷ đồng, tương đương mức tăng 45% so với cùng kỳ. Trong đó, mục chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của Manulife có khoản chi hơn 1.500 tỷ đồng cho nội dung “hủy bỏ hợp đồng”.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện nay còn khoảng gần 1.000 hợp đồng của khách hàng gửi tiết kiệm tại SCB bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu Tư của Manulife.
Chị Nguyễn Thị Hồng, một trong số gần 80 khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu Tư cho biết, ròng rã từ tháng 4/2023 tới nay, chị nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới Manulife nhưng chỉ nhận được thư từ chối.
Tác giả: Ngọc Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy