Thiếu hành lang pháp lý
Xác nhận với PV, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ NextTech - cho biết, dự án cho vay ngang hàng (cho vay cá nhân) của NextTech đã chính thức dừng hoạt động từ đầu năm nay. "Còn Vaymuon.vn vẫn hoạt động, kinh doanh bình thường, chỉ là không cho vay cá nhân nữa mà tập trung cho vay các doanh nghiệp, dựa trên nền Fintech", ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, lý do lớn nhất khiến NextTech dừng hoạt động ở mảng cho vay cá nhân là không chờ được hành lang pháp lý ra đời. Doanh nghiệp trong nước không dám hoạt động khi không có hành lang pháp lý bảo vệ hoạt động cho vay ngang hàng. Trong khi, các doanh nghiệp P2P của nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam lại hoạt động rất nhộn nhịp.
Nên theo ông, trong một sân chơi cho vay ngang hàng không có sự cạnh tranh lành mạnh mà lại ở trên chính "đất nhà" thì cách tốt nhất là dừng lại, thôi không làm nữa.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ NextTech.
Dự án cho vay ngang hàng (P2P Lending) của NextTech ra mắt từ năm 2017. Trong đó, Vaymuon.vn đóng vai trò môi giới, kết nối giữa người vay và nhà đầu tư để thực hiện giao dịch cho vay khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn, hoàn toàn online, không cần gặp mặt và không thế chấp. Khoản vay được giới thiệu đến các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi trên một ví điện tử.
Trên thực tế, Vaymuon.vn vẫn đang trong quá trình thí điểm chờ gia nhập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Từ thông tin website, công ty này đã nộp hồ sơ lên Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm 2019.
NextTech chỉ dừng hoạt động cho vay cá nhân, còn đối với cho vay doanh nghiệp thì vẫn duy trì (Ảnh chụp màn hình).
Tháng 7/2019, sau 2 năm hoạt động, Vaymuon.vn công bố nhận đầu tư vòng hạt giống và sẽ tiếp tục vòng gọi vốn Series A từ 5-10 triệu USD. CEO của Vaymuon.vn Đào Thị Trang khi đó cũng cho biết, ứng dụng đã kết nối được gần 2 triệu lượt khách hàng vay tiền với gần 400.000 nhà đầu tư cá nhân và tăng trưởng 20% mỗi tháng, trong đó tỷ lệ khách hàng trung thành lên đến 50%.
Tuy nhiên, đầu năm 2021, CEO Đào Thị Trang chính thức rời Vaymuon.vn và NextTech cũng rời bỏ cuộc chơi ở mảng cho vay cá nhân.
Bát nháo thị trường cho vay ngang hàng
Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là một mô hình kinh tế chia sẻ ra đời tại Anh vào năm 2005. Mô hình này trở nên phổ biến ở Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Sau đó, mô hình này phát triển và bùng nổ Trung Quốc vào cuối năm 2015.
Năm 2016, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Cuối năm 2020, theo thống kê, tại thị trường Việt Nam có khoảng 100 công ty (đã hoạt động và một số thử nghiệm), một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia ...
Tuy nhiên, sự bùng nổ quá nhanh của các app vay tiền qua mạng và hoạt động cho vay ngang hàng đang dấy lên lo ngại về biến tướng của hình thức tín dụng đen với lãi suất cắt cổ.
Tháng 5/2020, một phụ nữ ở Tiền Giang đã tự tử vì vay 8 triệu đồng qua app. Cùng thời điểm đó, một giảng viên ở Cần Thơ cũng tự tử do vay tiền qua app. Tháng 7/2020, một nạn nhân ở TPHCM tự tử do bị app tín dụng "truy sát".
Ngân hàng Nhà nước cũng từng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng (vay qua ứng dụng). Bởi hiện nay chưa có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh đối với lĩnh vực này. Người dân nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng từng cho biết, do khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P lending. Các công ty hoạt động trong lĩnh này đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Hoạt động của mô hình P2P lending mang lại ảnh hưởng tích cực nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ, có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, đặc biệt có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.
Đặc biệt, Bộ KH&ĐT còn cảnh báo xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ của Việt Nam.
Thậm chí, "họ chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Nếu Nhà nước ta không sớm ban hành và triển khai chiến lược, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến bị các doanh nghiệp lớn của nước ngoài chi phối hoàn toàn thị trường kinh tế chia sẻ trong nước, lũng đoạn thị trường một số ngành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước", Bộ KH&ĐT khẳng định.
Tác giả: Hoàng Dung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy