Dòng sự kiện:
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước
31/10/2018 10:02:50
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, thời gian gần đây, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành NSNN được siết chặt, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, đây mới là những kết quả tích cực ban đầu, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn. Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN) trao đổi rõ hơn về nội dung này.

PV: Thưa ông Võ Thành Hưng, trước hết xin ông cho biết việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã đạt kết quả như thế nào?

Ông Võ Thành Hưng: Năm 2018, nhiệm vụ tài chính - NSNN được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước khá tích cực. Kinh tế thế giới duy trì đà phục hồi; trong khi ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn kế hoạch (GDP 9 tháng ước tăng 6,98% so cùng kỳ; kế hoạch là 6,5-6,7%). Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đáng chú ý là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng; căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Ở trong nước, quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, áp lực lạm phát gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến khó lường.. tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính NSNN năm 2018. Cụ thể:

Về tổng thu NSNN luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm vượt 3% so dự toán, trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương quyết liệt phấn đấu thu cao hơn mức ước thực hiện nêu trên, giảm tối thiểu số địa phương hụt thu, trong đó có cả những địa phương là những trọng điểm tăng trưởng kinh tế - đồng thời cũng là trọng điểm thu, có đóng góp lớn cho NSNN nói chung và NSTW nói riêng.

Về chi NSNN 10 tháng ước đạt 72,4% dự toán; Ước cả năm đạt 102,6% dự toán, trong đó các khoản chi thường xuyên, chi trả nợ lãi bám sát dự toán.

Chi đầu tư phát triển giải ngân chậm, 10 tháng đạt 55,4% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,7% dự toán); ước cả năm chỉ đạt khoảng 88,2% dự toán. Trong thời gian còn lại của năm, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các công trình, dự án.

Về bội chi NSNN, chúng ta kiểm soát bội chi trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ so GDP (dự toán 3,7%GDP, ước thực hiện 3,67%GDP).

Đáng chú ý, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định, đảm bảo toàn, an ninh tài chính (nợ công dự toán 63,9%, ước thực hiện khoảng 61,4%GDP).

PV: Có thể đánh giá là kết quả thu ngân sách Nhà nước năm nay ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Những thách thức ở đây là gì, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt gảm sâu thuế quan theo các cam kết hôi nhập...

Tuy nhiên, xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN:

Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: khu vực DNNN tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.

Bên cạnh đó còn do nền ước thu năm 2017 để tính dự toán thu năm 2018 cao. Thực tế thực hiện, thu năm 2017 từ 3 khu vực này thấp hơn trên 34 nghìn tỷ đồng so với nền ước tại thời điểm tính dự toán năm 2018. Một lý do nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành có số nộp ngân sách lớn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng; chẳng hạn ngành viễn thông (thuế TNDN 9 tháng đạt khoảng 59%) ngành thuốc lá (thu 9 tháng ước đạt 70,6%), bia rượu (khoảng 69,5%);...

Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán.

Lý do là các địa phương trọng điểm thu, cũng là các khu vực trọng điểm về kinh tế, có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa về thu ngân sách,... Do vậy, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ thường giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung, trên cơ sở yêu cầu bám sát điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn và đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế,..

Chẳng hạn, dự toán thu nội địa năm 2018, trong khi dự toán thu nội địa từ sản xuất kinh doanh của cả nước tăng 13%, thì dự toán của nhóm 16 địa phương có điều tiết về trung ương tính tăng 21,2% so với ước thực hiện năm 2017.

Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77,3 nghìn tỷ đồng; Thời điểm 31/12/2017, con số này là 73,1 nghìn tỷ đồng; Đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017).

Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa: thì xu hướng là giảm (thời điểm 31/12/2016 ở mức 8,7%; 31/12/2017 là 7,6% và 30/9/2018 là 7,5%. Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,... (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu. Trường hợp địa phương dự kiến hụt thu, phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, đồng thời sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không phải điều chỉnh giam dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN;

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rà soát số nợ thuế phản ánh đúng thực chất hơn; Khẩn trương trình các cấp thẩm quyền việc sửa đổi Luật quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế.

Đối với năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc dự toán số thu sát thực tế hơn. Theo đó, dự toán thu nội địa từ sản xuất – kinh doanh năm 2019 dự kiến tăng 12,8%, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,6%-6,8% và lạm phát khoảng 4%. Đối với 16 địa phương có điều tiết về trung ương, dự toán thu năm 2019 tăng bình quân khoảng 13,1% so ƯTH 2018.

PV: Bộ Tài chính sẽ ưu tiên các giải pháp trọng tâm nào để phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm nay, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm nay, trong thời gian còn lại của năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các chính sách đảm bảo phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, qua đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.

Vừa qua Bộ Tài chính đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để bàn các giải pháp tăng cường công tác thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, nhất là các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm thu, các hoạt động kinh doanh qua mạng, nhà hàng, khách sạn, khu vực kinh tế phi chính thức, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI),...

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý; trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế.

Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội yêu cầu các địa phương phấn đấu thu vượt dự toán để có nguồn đảm bảo cân đối NSĐP; trường hợp dự kiến thu không đạt dự toán phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời, chủ động sử dụng các nguồn lực để đảm bảo như: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương (quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách,...); đây cũng là động lực để các địa phương nỗ lực phấn đấu tăng thu để có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.

PV: Chi ngân sách Nhà nước luôn là vấn đề lo ngại của dư luận xã hội, vậy trong lĩnh vực chi ngân sách Nhà nước thì những vấn đề nào đang đặt ra cho ngành Tài chính, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Chi ngân sách tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước.

Đây cũng chính là vấn đề lo ngại của xã hội. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách đã được chỉ ra: Thứ nhất kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; và thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải , giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao ; việc tách bạch chi đầu tư-thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế-kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp ...

Về cơ cấu lại chi NSNN thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26-27% (mục tiêu là 25-26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách nghèo đa chiều, ASXH, đảm bảo an ninh - quốc phòng,...

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công. Trong khi đó các nội dung này thời gian qua thực hiện có tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, từ đó, hạn chế việc thực hiện các mục tiêu về cơ cấu lại NSNN theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội.

PV: Bộ Tài chính sẽ chú trọng những giải pháp như thế nào để tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách hiện nay, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính là một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý tài chính – NSNN, những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Chính trị, Quốc hội đặt yêu cầu cao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, giao các ngành các cấp thực hiện thể hiện ở 3 điểm: thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ thể chế; thứ hai trong điều hành, tổ chức thực hiện; thứ ba công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Về công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành ban hành các luật: Luật NSNN, Luật KTNN, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… trong đó đã đặt ra các quy định tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Đặc biệt, Luật NSNN năm 2015 đã có những quy định mới về phạm vi thu, chi, bội chi; quy định rõ hơn về thẩm quyền điều chỉnh dự toán, công khai minh bạch, giám sát của cộng đồng.

Trong tổ chức thực hiện, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, chi NSNN chặt chẽ theo phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng đã được tăng cường. Đặc biệt Quốc hội rất quan tâm đến tiến độ triển khai thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách phải gắn liền với việc tăng cường kỷ cương kỷ luật trong các lĩnh vực có liên quan, như: quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng...

Một là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo quy định của pháp luật các cơ chế, chính sách quản lý tài chính - ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi tiêu ngân sách không còn phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên.Trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp sau để tăng cường kỷ cương kỷ luật NSNN:

Hai là, quản lý chặt chẽ chi NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính – ngân sách và tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền; công khai, minh bạch hoạt động tài chính – NSNN; nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường giám sát của cộng đồng.

PV: Bên cạnh nỗ lực tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách của ngành Tài chính thì theo ông, cần sự phối hợp của các bộ ngành khác như thế nào?

Ông Võ Thành Hưng: Luật Ngân sách năm 2015 đã phân cấp mạnh mẽ quyền hạn trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương; đi cùng với tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình... Do vậy, kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách phụ thuộc vào việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Ở khâu dự toán, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được giao, hệ thống định mức phẩn bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trên cơ sở dự toán được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, các chương trình, nhiệm vụ lớn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, điều hành dự toán ngân sách. Cơ quan tài chính cùng cấp chỉ đóng vai trò hậu kiểm và chỉ có ý kiến khi việc phân bổ không đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách...

Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn cũng quy định cụ thể các điều kiện chi ; các hành vi bị cấm ...; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ, thực hiện; vấn đề thanh tra, kiểm toán...vừa tạo thuận tiện; nhưng đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, ở đây không chỉ là tuân thủ pháp luật về quản lý ngân sách, mà còn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản..., bởi thực tế cho thấy những vi phạm trong các lĩnh vực này thường gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN như kết quả thanh tra, kiểm toán đã nêu ra.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả tăng cường công khai, minh bạch ngân sách, tăng cường sự giám sát của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả ngân sách cũng như siết chặt kỷ luật kỷ cương ngân sách?

Ông Võ Thành Hưng: Như tôi đã nói, Luật NSNN năm 2015 đã bổ sung thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn về công khai ngân sách theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng công khai; công khai gắn với minh bạch và trách nhiệm giải trình, phù hợp thông lệ quốc tế.

Nội dung công khai chi tiết hơn giúp cho người dân có thể theo dõi giám sát toàn bộ quy trình ngân sách từ khâu xây dựng chính sách chế độ, trình dự toán ngân sách, thực hiện, quyết toán ngân sách, cũng kiểm toán và việc thực hiện các khiến nghị của kiểm toán.

Công khai từ khâu xây dựng ban hành cơ chế chính sách thu, chi ngân sách tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý kiến; qua đó, giúp cho các cơ quan xây dựng chính sách tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2018 dự toán NSNN khi trình Quốc hội, HĐND các cấp (đề xuất dự toán) được công khai để cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào quá trình xây dựng NSNN.

Việc công khai tình hình thực hiện NSNN trong năm (quý, 6 tháng, năm) cũng giúp cho việc theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình ngân sách.

Về hình thức công khai được quy định cụ thể, rõ ràng, trong đó yêu cầu bắt buộc phải công khai trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh và Sở Tài chính để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin.

Đối với các đợn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các đơn vị được NSNN hỗ trợ: Lựa chọn 1 hoặc 1 số hình thức công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Luật NSNN, gồm: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở, phát hành ấn phẩm, đưa lên trang điện tử, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về tăng cường giám sát ngân sách của cộng đồng: Cùng với việc tăng cường công khai NSNN, Luật NSNN năm 2015 bổ sung quy định NSNN được giám sát bởi cộng đồng và giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các thành viên của Mặt trận tổ chức việc giám sát NSNN.

Quy định mới này đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân góp ý, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng NSNN; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vân Lê

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến