Dòng sự kiện:
'Siết' hồ sơ hoàn thuế, doanh nghiệp ngành sắn có nguy cơ phá sản
23/03/2022 18:18:52
Theo lãnh đạo Hiệp hội Sắn Việt Nam, ngành sắn đang phải đối mặt với loạt khó khăn, các doanh nghiệp sẽ bị phá sản nếu Công văn 632 của Tổng cục Thuế được thực thi.

Mới đây, Hiệp hội Sắn Việt Nam cùng 42 doanh nghiệp xuất khẩu sắn đã ký đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính sau khi Tổng cục Thuế đưa ra quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn (tức Công văn 632).

Người Đưa Tin đã phỏng vấn ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam (VICAAS) về một số nội dung liên quan đến sự việc này.

Tổng cục Thuế ban hành văn bản đột ngột

NĐT: Thưa ông, việc Tổng cục Thuế ban hành Công văn 632 ngày 7/3/2022 về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn có gì bất hợp lý mà Hiệp hội phải làm đơn kêu cứu?

Ông Nghiêm Minh Tiến: Với Công văn 632, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành về hoàn thuế giá trị gia tăng không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn, đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.

Nói một cách cụ thể hơn thì hoạt động mua bán sắn và các sản phẩm từ sắn qua Trung Quốc là hoạt động mua bán biên mậu (DAF) theo Nghị định 14 của Chính phủ - nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ theo điều kiện được Tổng cục Hải quan xác nhận thông quan.

Theo đó, cũng như nhiều nông sản khác bán qua biên giới, doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng lên cửa khẩu, làm thủ tục thông quan. Trước đó, thì các đơn vị đầu mối mua hàng sẽ làm việc, xác nhận đơn hàng với doanh nghiệp trong nước, họ ký mua hàng xong thì chuyển tiền thanh toán.

Sau khi đến cửa khẩu, doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu và được hải quan nước đó kiểm hoá cho thông quan. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm pháp lý cho đến cửa khẩu, chịu trách nhiệm trên lãnh thổ Việt Nam, còn từ cửa khẩu trở khi, tức khi hàng hoá đã được thông quan, hàng đã xuất sang nước bạn thì trách nhiệm khi đó thuộc về doanh nghiệp và hải quan phía Trung Quốc.

Ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam (Ảnh: VICAAS).

Hàng hóa đã bán sang bên kia, khách hàng Trung Quốc sử dụng ra sao, kể cả việc lách thuế như thế nào là trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc. Chính vì vậy, khi phía khách hàng phạm luật mà bắt doanh nghiệp trong nước phải chịu trách nhiệm là không đúng.

Hơn nữa, việc yêu cầu xác minh khách hàng theo Công văn 632 mà Tổng cục Thuế ban hành là không cần thiết. Bởi theo quy định hồ sơ hoàn thuế của Nhà nước không hề có yêu cầu trong hồ sơ hoàn thuế đó phải có biên bản xác nhận của khách hàng nước ngoài có mua hay không mua thì mới được hoàn thuế.

Trước đó, tất cả hồ sơ xuất nhập khẩu biên mậu của những năm trước hoàn toàn không có vấn đề gì và Tổng cục Thuế vẫn hoàn tiền bình thường.

NĐT: Như vậy thì loạt doanh nghiệp hoạt động trong ngành sắn sẽ chịu rất nhiều ảnh hưởng nếu Công văn 632 được thực thi?

Ông Nghiêm Minh Tiến: Đúng là như vậy! Phải nói rằng, cây sắn là cây lương thực quan trọng thứ 3 của Việt Nam sau cây lúa, cây ngô. Cây sắn hiện có diện tích trồng hằng năm khoảng 530.000ha và được trồng chủ yếu ở vùng trung du miền núi khó khăn. Nhiều đối tượng trồng là đồng bào dân tộc thiểu số. Số lao động trong ngành sắn là hơn 1,2 triệu người.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt cao tới 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới sau Thái Lan.

Chính vì vậy, việc Tổng cục Thuế ra ban hành Công văn 632 hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn là rất đột ngột, đã khiến cho loạt doanh nghiệp trong ngành điêu đứng.

Một cách nặng nề hơn, nếu công văn này được thực thi thì các doanh nghiệp ngành sắn sẽ đứng trước bờ vực phá sản mặc dù thực tế các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật. Việc này còn ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người lao động ngành sắn và hàng trăm đơn vị sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng sắn, gây mất ổn định kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.


Theo lãnh đạo Hiệp hội VICAAS, nếu công văn 638 được thực thi thì các doanh nghiệp ngành sắn sẽ đứng trước bờ vực phá sản mặc dù thực tế các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật (Ảnh: DV).

Hiện nay, ngành sắn đang còn phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động hơn 2 năm qua. Số lượng hàng tồn kho rất lớn, nhiều doanh nghiệp không còn tiền để mua nguyên liệu của nông dân, buộc phải dừng sản xuất. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh xuất khẩu quyết liệt với Thái Lan, Indonesia.

Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn, nếu vướng mắc hoàn thuế giá trị gia tăng không được tháo gỡ kịp thời có thể dẫn tới sự sụp đổ chuỗi sản xuất cây trồng tỷ đô và tác động tới các ngành khác có xuất khẩu biên giới tương tự như ngành sắn.

Một doanh nghiệp nghiệp lớn trong ngành có chia sẻ với Hiệp hội rằng, hồ sơ hoàn thuế của họ hơn 384 tỷ đồng bị “treo”, nên tính chung toàn ngành có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng.

NĐT: Trước đó, Tổng cục Thuế đã có cuộc đối thoại với Hiệp hội Sắn Việt Nam. Vậy tại cuộc đối thoại này, phía Tổng cục đã nói gì về việc ban hành Công văn 632, thưa ông?

Ông Nghiêm Minh Tiến: Tại cuộc đối thoại này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã kết luận theo hướng giải quyết thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp ngành sắn.

Hiệp hội đã ghi nhận lại toàn bộ thông tin từ hội nghị này. Sau hội, Hiệp hội có văn bản đề nghị đề nghị Tổng cục Thuế có kết luận hội nghị chính thức bằng văn bản. Tuy nhiên thì Hiệp hội vẫn chưa nhận được văn bản này từ phía Tổng cục Thuế. Và đến thời điểm này, Tổng cục Thuế lại ban hành Công văn 632 với nội dung hoàn toàn khác.

Chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch

NĐT: Ngoài thị trường Trung Quốc, mặt hàng sắn còn xuất khẩu sang thị trường nào nữa, thưa ông?

Ông Nghiêm Minh Tiến: Sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, bình quân mỗi năm xuất khoảng 85 - 90% sang thị trường này.

Trong số này, hơn 65% sản lượng sắn xuất khẩu theo hình thức giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu khu vực ở tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai. Với những thị trường khác, xuất khẩu sản phẩm sắn không đáng kể.

Đây cũng là rủi ro cho ngành sắn khi chỉ tập trung vào một thị trường mà không đa dạng thị trường. Phía Hiệp hội cũng đang xây dựng chủ trương để có thể hướng thị trường xuất khẩu các mặt hàng sắn Việt sang các nước khác.

Việc ùn ứ nông sản thời gian qua, hầu hết là do doanh nghiệp xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch (Ảnh: Phạm Tùng).

NĐT: Được biết, trong cuộc họp ngày 18/3 vừa qua với Hiệp hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có khuyến nghị về việc chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch theo Đề án Bộ Công Thương trình Chính phủ với các mặt hàng sắn. Là người làm việc trực tiếp với Bộ trưởng, ông đã có chia sẻ thế nào về nội dung này?

Ông Nghiêm Minh Tiến: Đây là một chủ trương đúng đắn và việc thực hiện cũng không đơn giản, tất cả đều phải có lộ trình.

Nếu tình hình bình thường, không có dịch Covid-19 thì việc thông thương khá tốt, phù hợp với tập quán, văn hoá của cư dân cũng như doanh nghiệp của hai nước có cùng biên giới. Xuất khẩu tiểu ngạch giảm được chi phí bán hàng, có lợi cho doanh nghiệp cũng như bà con nông dân.

Còn hiện tại, tình hình xuất khẩu tiểu ngạch gặp rất nhiều khó khăn do nhiều yếu tố tác động. Chính bởi vậy, việc chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch là cần thiết. Dẫu biết rằng, với hình thức này sẽ tăng chi phí bán hàng, chịu thuế cao hơn… Tuy nhiên, việc thay đổi là phù hợp, và quan trọng là phải đảm bảo được lợi ích cho bà con nông dân, cho doanh nghiệp, cho lợi ích quốc gia.

Liên quan đến nội dung kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam, tại cuộc họp với Hiệp hội ngày 18/3 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ Hiệp hội và các doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, có kiến nghị với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét các khó khăn, kiến nghị của Hiệp hội và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có cơ sở xem xét, giải quyết vấn đề, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp cần phải xuất trình được các giấy tờ, thủ tục đúng theo quy định hiện hành của pháp luật; Tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý, tính chính xác của hồ sơ, tính xác thực của hoạt động kinh doanh thương mại thực tế và tính đối khớp giữa hồ sơ và thực tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát các quy định của pháp luật và kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.

Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc phối hợp xử lý, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đối với kiến nghị về việc dừng xác minh đối tác thương mại nước ngoài, nội dung này không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương nên Bộ đã đề nghị doanh nghiệp làm việc với Bộ Tài chính để được xem xét, xử lý theo quy định.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến