Đài khí tượng thủy văn đưa tin, hồi 13h ngày 31/10, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 14,7 độ vĩ Bắc; 127,7 độ Kinh Đông, cách miền Trung Philippines khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200- 220km/giờ), giật trên cấp 17.
Đường đi của bão Goni. (Nguồn: Đài khí tượng thủy văn)
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 13h ngày 1/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông.
Đến 13h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ vĩ Bắc; 117,2 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.
Đến 13h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ vĩ Bắc; 113,3 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.
Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (JTWC) ở Trân Châu Cảng tại bang Hawaii, Mỹ, mô tả Goni là "một cơn rất mạnh".
Ngày 31/10, Ban Chỉ đại Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 34/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Y tế; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.
Nội dung Công điện nêu rõ: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay siêu bão Goni đang hoạt động phía đông Phi-lip-pin, dự báo di chuyển nhanh, 24-48 giờ tới sẽ đi vào Biển Đông. Thời gian qua, bão, mưa lớn liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, đặc biệt là các khu vực ven biển.
Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 1500/CĐ-TTg ngày 28/10, 1503/CĐ-TTg ngày 29/10 và Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30/10 của Văn phòng Chính phủ về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn công trình xung yếu.
Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các bộ, ngành nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ; tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn.
Các đơn vị nêu trên tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ; huy động mọi phương tiện, nguồn lực nhanh chóng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc; khắc phục giao thông trên các Quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt, đồng thời tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lớn, ngập lụt, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Thùy Nha (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy