Đầu tháng 4, hàng loạt vụ mạo danh là nhân viên của các nhà mạng gọi điện, nhắn tin hướng dẫn cú pháp để thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G nhằm lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và thanh toán hàng chục triệu đồng cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng của người tiêu dùng.
Các đối tượng lừa đảo lợi dụng chính sách hỗ trợ đổi SIM 4G của các nhà mạng và đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục như thực hiện đổi SIM từ xa nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan của dịch bệnh Covid-19; đổi SIM ngay để được miễn phí và nhận được các ưu đãi, khuyến mãi; nếu không nâng cấp lên 4G sẽ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ,... nhằm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Cảnh báo lừa đảo người tiêu dùng từ các chiêu thức giả mạo nhà mạng nâng cấp lên sim 4G
Phản ánh tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, chị P.T.P.T. tại TP. Hồ Chí Minh cho hay chị từng bị chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng từ chiêu thức lừa đảo nêu trên.
Chiều 20/2, chị đã nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 024.66704573, tự xưng là nhân viên Mobifone hỗ trợ nâng cấp từ 3G lên 4G cho sim điện thoại của chị. Được giới thiệu là đổi sim miễn phí và giải thích rằng do dịch bệnh Covid-19 nên không thể gặp trực tiếp trao sim cho khách hàng, không nghi ngờ gì, chị T. đã thực hiện nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng lừa đảo hướng dẫn qua tin nhắn.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện các thao tác trên để đổi sim 4G, chị T. nhận thấy sim điện thoai chị đang dùng bị mất tín hiệu và vô hiệu hóa, không thể sử dụng được nữa. Cùng lúc đó, chị T. nhận được thông báo gửi đến hộp thư điện tử Gmail của chị về việc thay đổi mật khẩu thành công đối với ứng dụng vay tiêu dùng.
Nhận thấy bất thường, chị T. lập tức đến cửa hàng Mobifone trên đường Phan Đăng Lưu, Phường 3, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh để khóa và khôi phục sim. Sau khi sim được khôi phục, chị T. truy cập ngay ứng dụng để kiểm tra, thì hạn mức sử dụng thẻ tín dụng Fe Credit của chị chỉ còn 70.000 đồng.
Gọi điện lên tổng đài chăm sóc khách hàng, chị T. được thông báo đã phát sinh các giao dịch qua thẻ tín dụng với tổng số tiền 31,19 triệu đồng chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi sim điện thoại cũ của chị bị vô hiệu hóa.
Tương tự, chị N.T.H.M. bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 50 triệu đồng. Chị M. được một người gọi điện, tự xưng là nhân viên của Vinaphone và thông báo chị đang dùng gói 3G nên chuyển sang 4G. Thấy tiện, chị M. đồng ý.
Ngay sau đó, người này hướng dẫn chị nhập dãy ký tự *938*…# trên điện thoại của chị và dặn tắt máy, 30 phút sau khởi động lại. Sau khi khởi động lại máy, chị M. nhận thấy sim của chị bị vô hiệu hóa, không có sóng. Hai ngày sau mới khôi phục sim, chị M. nhận đươc tin nhắn từ Fe Credit thông báo dư nợ 49,231 triệu đồng.
Mặc dù trước đó chưa từng kích hoạt tài khoản tín dụng của Fe Credit, nhưng trùng với thời điểm sim của chị bị vô hiệu hóa thì thẻ tín dụng Fe Credit của chị M. được kích hoạt, lấy mã OTP gửi đến số điện thoại mà kẻ gian đã lấy cắp của chị để sử dụng thanh toán cho các giao dịch phát sinh tại FPT Shop Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
Các chiêu thức lừa đảo tinh vi như vậy không chỉ xảy ra ở TP.HCM, mà còn ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Tháp...
Mới đây, nhà mạng còn cảnh báo hiện tượng lừa đảo công nghệ cao tăng mạnh với các thủ đoạn tinh vi, trong đó xuất hiện tình trạng tượng lừa đảo chiếm đoạt quyền kiểm soát SIM thuê bao di động để đánh cắp thông tin mã OTP, sau đó rút tiền từ thẻ tín dụng của khách hàng hoặc vay tiền online.
Tăng cường bảo mật cho SIM điện thoại (Ảnh:Bảo Anh)
Bảo vệ chính mình
Để bảo vệ khách hàng hạn chế tối đa thiệt hại do kẻ lừa đảo gây ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, người tiêu dùng không nên vội vàng truy cập hoặc nhấp vào đường dẫn đó. Đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín nhằm cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Đối với những số điện thoại được người tiêu dùng sử dụng để xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử,... để giảm thiểu rủi ro bị rút tiền từ các tài khoản ngân hàng, tín dụng, ví điện tử,... trong trường hợp sim, quyền kiểm soát sim hoặc điện thoại bị mất, người tiêu dùng cần tăng cường bảo mật cho sim điện thoại của mình, có thể bằng cách cài đặt mã PIN cho sim điện thoại theo hướng dẫn của các doanh nghiệp viễn thông.
Thay vì phương thức xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng, ví điện tử... thông qua tin nhắn điện thoại (SMS), người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng xác thực khác nhằm ngăn ngừa việc bị chiếm đoạt tiền khi bị mất quyền kiểm soát sim theo chiêu trò hoán đổi thẻ sim nêu trên.
Phía nhà mạng, VinaPhone khuyến cáo, khi SIM điện thoại có các dấu hiệu bất thường như: mất tín hiệu, bị vô hiệu hóa không rõ nguyên nhân, nhiều số điện thoại lạ gọi vào máy trong cùng một khoảng thời gian,... khách hàng khẩn trương liên hệ với nhà mạng qua số tổng đài miễn phí để kiểm tra tình trạng của thuê bao và được tư vấn, giải đáp hoặc khuyến nghị các cách xử lý.
Trường hợp số thuê bao nhận được thông báo phát sinh các giao dịch bất thường như giao dịch liên quan đến thẻ tín dụng, vay tín dụng online liên quan, khách hàng liên hệ ngay với các ngân hàng tổ chức tài chính nơi phát hành thẻ tín dụng, nơi phát sinh giao dịch tín dụng online đề nghị hỗ trợ khóa thẻ khẩn cấp nhằm ngăn chặn kẻ gian chiếm đoạt tài sản hoặc làm rõ giao dịch tín dụng online đó.
Không truy cập vào các đường link được gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ. Khi có nhu cầu thay/đổi SIM mới, hãy đến trực tiếp các điểm giao dịch hoặc đại lý chính thức của VinaPhone để thực hiện.
Nhà mạng quán triệt tới nhân viên, giao dịch viên thực hiện việc cấp đổi, thay SIM đúng quy trình, quy định, tránh hiện tượng bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo thay SIM nhằm trục lợi. Đồng thời thông báo tới toàn bộ nhân viên, giao dịch viên, điện thoại viên trên toàn hệ thống tổng đài và điểm giao dịch, điểm uỷ quyền nắm bắt thông tin kịp thời, tư vấn giải đáp để khách hàng cảnh giác trước hiện tượng kẻ xấu có hành vi lợi dụng chiếm đoạt SIM số của khách hàng.
Tác giả: Bảo Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Mua redmi note 12 Clickbuy
- cách mua hàng coupang
- Mua iphone 15 pro max Clickbuy
- gói cước 5g viettel tháng
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy