Dòng sự kiện:
“Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
24/07/2014 14:09:40
Sáng nay (24/7), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) gặp mặt báo chí để thông tin về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2014 và định hướng thời gian tới.

Sáng nay (24/7), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) gặp mặt báo chí để thông tin về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2014 và định hướng thời gian tới. 

 

SCIC đang quan tâm kế hoạch thoái vốn của EVN tại ABBank

 

Một trong những nội dung được đưa ra tại buổi trao đổi này là kế hoạch đầu tư của SCIC vào các ngân hàng thương mại - hoạt động đã được Chính phủ định hướng cụ thể tại Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3 vừa qua.

 

Khoảng một năm về trước, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, cũng đã đề cập đến kế hoạch trên, để đón đầu hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo lộ trình đến năm 2015.

 

Tại buổi trao đổi trên, ông Đạo cho biết, sau khi có định hướng chính thức của Chính phủ, “siêu tổng công ty” này đã chủ động liên hệ với 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước để trao đổi khả năng hợp tác, nghiên cứu cơ hội mua lại các khoản đầu tư của họ tại các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại. SCIC cũng đã trực tiếp làm việc với một số đầu mối trong số này.

 

Như vậy, cùng với SCIC, hiện có hai đầu mối khác nữa sẽ tham gia vào việc đón nguồn hàng thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở nhóm các ngân hàng thương mại. Tại nghị quyết trên, Chính phủ cũng đã định hướng sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh đó là các ngân hàng thương mại (cả ở chỉ định lẫn hoạt động đầu tư thông thường).

 

Với Ngân hàng Nhà nước, có thể hiểu nhà quản lý này chỉ trực tiếp tham gia mua lại cổ phần và trở thành cổ đông để xử lý ngân hàng nào đó; hoặc chỉ định ngân hàng quốc doanh đứng ra mua lại để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu.

 

Còn với SCIC, ông Đạo cho hay, quan điểm ở đây là đầu tư, phải có hiệu quả, thậm chí có thể là đầu tư ngắn hạn miễn sao có lợi cho đồng vốn của Nhà nước. Theo đó, việc đầu tư sẽ được xem xét kỹ về thể trạng của địa chỉ rót vốn cũng như triển vọng của nó.

 

Và theo gợi mở bước đầu của Tổng giám đốc SCIC, hoạt động thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) tại Ngân hàng Đại dương (OceanBank), của Tập đoàn Điện lực (EVN) tại Ngân hàng An Bình (ABBank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tại Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), hay của đầu mối liên quan tại Ngân hàng Tiên Phong (TPBank)… là những điểm ngắm đang được xem xét. Riêng tại ABBank, ông Đạo đề cập khá cụ thể ở mức độ là “đang quan tâm”.

 

Vậy bao giờ kế hoạch của “siêu tổng công ty” mới hiện thực? Cũng lưu ý là mong muốn và kế hoạch này đã được thai nghén khoảng hai năm qua, trong khi hạn cuối để việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước đã gần kề vào năm tới.

 

Về khách quan, bối cảnh kinh tế và thị trường chứng khoán nói riêng vẫn nhiều khó khăn khiến hoạt động thoái vốn của các “ông lớn” quốc doanh trì trệ. Mặt khác, có những trường hợp có thể không dám cắt lỗ, đối diện với thua lỗ ở hoạt động này khi giá trị đầu tư trước đây lớn hơn nhiều so với giá trị có thể thoái hiện nay (?).

 

Về chủ quan, SCIC đang gặp những vướng mắc đang chờ tháo gỡ.

 

Theo Tổng giám đốc Lại Văn Đạo, nếu các cổ phiếu trong dòng thoái vốn đó đã niêm yết thì việc mua lại trở nên khá đơn giản ở khâu xác định giá. Thế nhưng, phần lớn cổ phiếu ngân hàng mà các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư lại chưa niêm yết, việc xác định giá mua là rất khó khăn.

 

Bởi lẽ, theo quy định và nguyên tắc đặt ra, giá SCIC mua lại không được cao hơn giá trị sổ sách trừ đi dự phòng rủi ro. Khi khó xác định giá cổ phiếu chưa niêm yết, cơ sở để thực hiện trừ đi phần dự phòng cũng khó xác định.

 

Những vướng mắc trong kế hoạch trên dự kiến sẽ được Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đây cũng là điểm mẫu chốt cho tiến độ thực hiện kế hoạch của SCIC trong thời gian tới.

 

Ở một thực tế liên quan khác, tại hội nghị toàn ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ từng nêu yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước cùng các đầu mối liên quan cần quyết liệt đốc thúc, thậm chí xem xét ra văn bản bắt buộc các ngân hàng thương mại cổ phần phải thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán.

 

Theo Thủ tướng nói tại hội nghị đó, yêu cầu trên một mặt nhằm tăng cường sự minh bạch trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, mặt khác xem đây như một giải pháp để hạn chế tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống. Và nếu các ngân hàng đều niêm yết cổ phiếu, không chỉ kế hoạch của SCIC thuận lợi hơn mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng có thêm cơ sở để đẩy nhanh việc “bàn giao” lại phần vốn đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực này.

 

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ bao giờ yêu cầu niêm yết mà Thủ tướng đưa ra mới được cụ thể hóa.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến